menu search
Đóng menu
Đóng

Financial Times: Dòng vốn từ Trung Quốc đang đổ về Việt Nam

11:04 23/09/2015

Vinanet - Hưởng lợi từ chính sách tăng lương của Trung Quốc, Việt Nam cũng là trường hợp hiếm hoi hưởng lợi từ việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ.
Financial Times vừa đăng tải một bài bình luận về đà tăng trưởng của Việt Nam – điểm sáng còn sót lại của các thị trường mới nổi.

Tờ báo dẫn số liệu từ Capital Economics cho thấy, Việt Nam nằm trong số ít các nền kinh tế đang phát triển có tốc độ tăng trưởng kinh tế năm vừa qua cao hơn so với mức tăng trưởng trung bình từ năm 2010.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 2012 đến nay tăng dần qua các năm, từ 5,2% năm 2012, lên 5,4% năm 2013, và 6% năm 2014.

Tổ chức Consensus Economics dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2015 và 6,2% trong năm 2016. Trong khi đó, ông Dominic Scriven, CEO của quỹ Dragon Capital, thậm chí dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,5% trong năm 2015 và gần 7% trong năm 2016.

Sở dĩ, theo các chuyên gia, Việt Nam trở thành trường hợp ngoại lệ trong bối cảnh các thị trường mới nổi suy giảm là bởi Việt Nam đã thành công trong việc thu hút nguồn vốn ngoại nhờ lợi thế nhân công giá rẻ, trong khi chi phí nhân công tại Trung Quốc bắt đầu tăng.

Gareth Leather, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics cho rằng, Việt Nam đang hưởng lợi rất lớn từ việc giá nhân công của Trung Quốc tăng cao, các doanh nghiệp chuyển bớt sản xuất từ nước này sang một số nước khác tại châu Á, trong đó có Việt Nam.

Ông nhận định, các nước khác trong khu vực cũng có lợi thế về chi phí nhân công như Bangladesh và Campuchia nhưng Việt Nam lại có lợi thế hơn nữa về vị trí địa lý cũng như sự ổn định chính trị.

Chuyên gia này cho rằng, quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam sẽ còn tiến triển hơn nữa. “Việt Nam đang giống Trung Quốc cách đây 15 – 20 năm. Việt Nam vẫn còn một lực lượng lao động nông thôn rất lớn có thể bổ sung vào các nhà máy, đô thị. Điều này sẽ giúp chi phí nhân công tương đối thấp”, ông Leather nói.

Theo ông Scriven, bất chấp đà suy giảm của kinh tế toàn cầu, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ các hiệp định thương mại như FTA với EU. Ông dự đoán, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu hoàn tất có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1 điểm phần trăm/năm.

Cũng theo chuyên gia này, Việt Nam thậm chí là quốc gia hiếm hoi hưởng lợi từ việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ. Do Việt Nam thâm hụt thương mại với Trung Quốc khoảng 15% GDP, do đó, nhân dân tệ mất giá sẽ khiến chi phí nhập khẩu thấp hơn.

Đặc biệt, những năm gần đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh. Mặc dù, đà tăng trưởng này đã chậm lại trong năm nay nhưng Việt Nam vẫn là nước duy nhất trong các thị trường mới nổi không phải hứng chịu tình trạng FDI giảm trong nửa đầu 2015.

Về thị trường chứng khoán, theo ông Scriven, chứng khoán Việt Nam vẫn rẻ hơn so với khu vực xét theo P/E.
Kim Phượng
Theo FT