Thông tin này được công bố ngày 21-8 tại Hội nghị công bố kế hoạch phát hành trái phiếu xây dựng thủ đô năm 2015 ở Hà Nội.
Trái phiếu xây dựng thủ đô năm 2015 được phát hành thông qua hai phương thức: đấu thầu qua Sở GDCK Hà Nội và bảo lãnh phát hành.
Các kỳ hạn gồm 3 năm, 5 năm hoặc 10 năm (căn cứ tiến độ triển khai thực hiện các dự án và khả năng của thị trường, UBND Thành phố Hà Nội quyết định loại kỳ hạn trái phiếu huy động phù hợp).
Tương tự các đợt phát hành trái phiếu năm 2013 và 2014, mệnh giá trái phiếu đợt phát hành này là 100.000 đồng, lãi suất cố định trong suốt kỳ hạn và thanh toán định kỳ một năm/lần, hoàn trả gốc một lần khi đáo hạn.
UBND Thành phố sẽ quyết định lãi suất phát hành trái phiếu theo nguyên tắc không thấp hơn mức lãi suất phát hành của trái phiếu Chính phủ và tính toán hợp lý so với khung lãi suất của các ngân hàng thương mại Nhà nước, căn cứ vào khung lãi suất của Bộ Tài chính và tình hình thị trường tại thời điểm phát hành.
Thông tin từ HNX cho biết, ngày 28-8 tới đây, phiên đấu thầu 2.000 tỉ đồng trái phiếu xây dựng thủ đô đợt 1-2015 sẽ diễn ra tại HNX. Trái phiếu sau khi phát hành sẽ được lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và niêm yết, giao dịch tập trung tại HNX.
Theo đề án phát hành trái phiếu xây dựng thủ đô đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 3208/QĐ-UBND ngày 9-7-2015, toàn bộ số tiền thu được từ phát hành trái phiếu năm 2015 sẽ được sử dụng cho các dự án phát triển an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố gồm 13 dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2015, ba dự án ODA đang triển khai thực hiện cần phải đối ứng vốn để đảm bảo tiến độ, bảy dự án đang triển khai, hoàn thành sau năm 2015 tập trung vào các công trình giao thông, đường sắt đô thị, xử lý nước thải, công nghệ, bệnh viện, cải tạo sông…
Hàng năm, kể từ năm 2013 đến nay, UBND thành phố Hà Nội đều phát hành trái phiếu xây dựng thủ đô thông qua hình thức đấu thầu tại Sở GDCK Hà Nội.
Năm 2013, UBND Thành phố Hà Nội đã phát hành ba đợt huy động được 4.400 tỉ đồng để đầu tư cho năm công trình giao thông, hai công trình bệnh viện và một dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Năm 2014, UBND Thành phố Hà Nội đã phát hành hai đợt huy động được 3.000 tỉ đồng để đầu tư cho dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội và dự án Xây dựng nút giao thông đường đô thị Bắc Thăng Long – Vân Trì với tuyến đường sắt Bắc Hồng – Văn Điển; 11 dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2014-2015 và ba dự án ODA.
Nguồn:Thời báo kinh tế Sài Gòn