Chỉ số Quản lý mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Nhật Bản do Ngân hàng au Jibun công bố đạt 50,1 điểm trong tháng 6/2025, tăng từ mức 49,4 của tháng 5/2025. Mặc dù thấp hơn mức sơ bộ 50,4 điểm, chỉ số này đã vượt mốc 50 - ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm - lần đầu tiên kể từ tháng 5/2024.
Trong các chỉ số thành phần, sản lượng nhà máy đã tăng trở lại sau chín tháng suy giảm liên tiếp. Một số doanh nghiệp bày tỏ kỳ vọng nhu cầu sẽ cải thiện trong thời gian tới, trong khi số khác cho biết họ tăng sản xuất nhằm giải quyết lượng công việc tồn đọng.
Chỉ số phụ đánh giá kỳ vọng của các nhà sản xuất về sản lượng trong dài hạn đã đạt mức cao nhất trong 5 tháng. Thị trường việc làm cũng tăng trưởng trong tháng 6/2025 - tháng thứ bảy liên tiếp ghi nhận xu hướng này.
“Dữ liệu PMI mới nhất cho thấy nhu cầu tiêu dùng vẫn là một thách thức đối với các nhà sản xuất Nhật Bản trong tháng 6/2025, khi doanh số tiếp tục giảm cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng tương lai, điều này khuyến khích họ tăng nhân sự và nâng sản lượng lần đầu tiên trong một năm qua”, bà Annabel Fiddes, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận định.
Bà Fiddes lưu ý rằng Nhật Bản cần có sự cải thiện bền vững trong nhu cầu tiêu dùng, yếu tố đang bị ảnh hưởng bởi sự bất định liên quan đến thuế quan của Mỹ, để đạt được đà phục hồi ổn định hơn trong sản xuất.
Theo khảo sát, số đơn hàng mới giảm tháng thứ 25 liên tiếp, với tốc độ giảm nhanh hơn tháng 5/2025. Đơn hàng xuất khẩu mới cũng tiếp tục đà suy giảm kể từ tháng 2/2022. Một số doanh nghiệp cho biết triển vọng mù mờ về chính sách thuế quan của Mỹ đang ảnh hưởng đến doanh số, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn và ô tô.
Chính phủ Nhật Bản hiện đang nỗ lực đàm phán để được miễn trừ mức thuế 25% mà Mỹ đề xuất áp lên ô tô - một động thái nhằm bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi, vốn là trụ cột của ngành sản xuất hướng xuất khẩu và kinh tế quốc gia.
Về lạm phát, chỉ số giá đầu vào và giá đầu ra đều tăng so với tháng 5/2025, khi các doanh nghiệp ghi nhận chi phí nguyên liệu, nhân công và năng lượng tăng cao, theo khảo sát.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters