Hội nghị là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Tổng cục Hải quan và Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tham vấn cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải cách các chính sách và quy trình hải quan.
Tại hội nghị, ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, Luật Hải quan 2014 được đánh giá là sự cải cách tích cực, với việc áp dụng phương thức quản lý hiện đại theo các thông lệ quốc tế và Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại của Việt Nam trong thời gian tới.
Sau hơn 9 tháng triển khai Luật Hải quan 2014, việc cập nhật tình hình thực hiện thủ tục hải quan tại các doanh nghiệp và đơn vị hải quan; đồng thời nắm bắt những tồn tại, vướng mắc về thủ tục hải quan của đơn vị sản xuất, kinh doanh, các vấn đề thực thi không thống nhất giữa các Chi cục Hải quan và đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời trong quá trình thực thi Luật này là rất cần thiết.
Tính từ khi Luật Hải quan 2014 có hiệu lực thực thi đến nay, Tổng cục Hải quan đã ban hành khoảng 40 văn bản để giải đáp vướng mắc của các đơn vị hải quan địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, hầu hết các vướng mắc đều xuất phát từ nguyên nhân do chưa nghiên cứu, hiểu rõ và thống nhất về các quy định của Luật; các văn bản hướng dẫn vẫn chưa rõ ràng, chi tiết, dẫn đến những vấn đề vướng mắc như thực hiện quy định kiểm tra hồ sơ thanh khoản tại doanh nghiệp, công tác quản lý chuyên ngành, thủ tục thông quan...
Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, vì bản chất của kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng thủy sản là liên quan đến chất lượng sản phẩm chứ không có cơ sở liên quan đến tiền thuế phải nộp, nên Luật Hải quan 2014 quy định là hàng phải được kiểm tra trước mới hoàn thuế là chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đó, các doanh nghiệp cho rằng chỉ có những hàng hóa đặc biệt mới cần kiểm tra trước để xác định doanh nghiệp khai có đúng tiền thuế hay không, do đó ngành Hải quan nên xây dựng danh mục cho nhóm hàng hóa đặc biệt này, còn những chủng loại hàng hóa khác được miễn.
Liên quan đến quy định trong quản lý xuất nhập khẩu theo quản lý rủi ro, nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện tại việc xác định doanh nghiệp hưởng luồng xanh, vàng, đỏ, hoặc hưởng ân hạn nộp thuế nhập khẩu 275 ngày đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu theo hệ thống quản lý rủi ro tự động với một số tiêu chí quy định của hải quan mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.
Nhưng quy trình này vẫn tồn tại hạn chế như hệ thống bảo luồng đỏ, dừng không cho doanh nghiệp hưởng luồng xanh hay ân hạn thuế mà không thông báo lý do, nên doanh nghiệp không biết hàng hóa có vấn đề gì và có giải pháp xử lý kịp thời.
Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian tới, ngành Hải quan sẽ cải thiện và nâng cao tính hiệu quả của hệ thống thông quan điện tử, tạo điều kiện thuận lợi để thực thi Luật Hải quan 2014, cũng như hỗ trợ hoạt động của đơn vị hải quan và doanh nghiệp.
Hiện Tổng cục Hải quan đang xây dựng phần mềm để trao đổi thông tin giữa các bên, nhằm tạo cầu nối giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp. Riêng đối với những trường hợp cán bộ hải quan yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm các chứng từ ngoài các chứng từ theo quy định của Luật cần phản ảnh lên lãnh đạo Chi cục Hải quan để được tư vấn và hỗ trợ giải quyết kịp thời./.
Theo TTXVN
Nguồn:TTXVN