menu search
Đóng menu
Đóng

Ngành vận tải biển Trung Quốc đua nhau báo lãi lớn khi toàn cầu đối mặt với chi phí logistic tăng

21:56 05/09/2021

Trong bối cảnh công suất eo hẹp, thiếu hụt container ở các thị trường trọng điểm và hoạt động của một số cảng lớn bị gián đoạn, các tập đoàn vận tải biển hàng đầu Trung Quốc và Hong Kong đang đua nhau báo lãi.
 
COSCO Shipping, hãng vận tải hàng hải lớn thứ ba thế giới theo công suất, cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu trong nửa đầu năm nay đã nhảy vọt 88% lên 139,26 tỷ nhân dân tệ (tương đương 21,5 tỷ USD), trong khi lợi nhuận ròng tăng 32 lần lên 37,09 tỷ nhân dân tệ (5,7 tỷ USD).
Trong 6 tháng đầu năm 2021, đội tàu container của tập đoàn nhà nước này đã vận chuyển khoảng 13,84 triệu TEU, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 16,8%. Tuy nhiên, động lực thúc đẩy lợi nhuận của COSCO Shipping tăng đột biến là giá cước chứ không phải công suất, Nikkei Asia nhấn mạnh.
Chỉ số vận tải hàng hóa bằng container của Trung Quốc đạt trung bình 2.066,64 điểm trong nửa đầu năm nay, tăng phi mã 133,9% so với một năm trước và cao hơn 92,4% so với nửa cuối năm 2020.
Chỉ số Baltic Dry Index, một thang đo quốc tế về cước vận chuyển hàng rời, dao động quanh mức 4.132 điểm vào ngày 1/9, gần mức đỉnh 11 năm.

Ngành vận tải biển Trung Quốc đua nhau báo lãi lớn giữa lúc giá cước tăng phi mã - Ảnh 1.

  Trong 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận ròng của COSCO Shipping tăng 32 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5,7 tỷ USD. (Ảnh: Reuters).

Ông Xu Lirong, Chủ tịch của Orient Overseas (OOCL), chi nhánh Hong Kong của COSCO Shipping, cho rằng giá cước vận tải tăng cao chưa từng có bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trong đó, "tắc nghẽn cảng, thời tiết xấu, tranh chấp lao động, thiếu nhân lực, sự cố kênh đào Suez, thiếu công suất vận tải bằng đường sắt, thiếu container ở các thị trường quan trọng, giãn cách tại các cảng, cách ly tế trong đội tàu và nhiều khó khăn khác" là lý do chính.
Một container phân bón kẹt tại cảng hơn nửa năm và hậu quả cay đắng mà COVID-19 gây ra cho chuỗi cung ứng
Riêng đối với OOCL, doanh thu trong nửa đầu năm 2021 tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 6,98 tỷ USD và lợi nhuận ròng nhảy vọt 28 lần lên 2,81 tỷ USD.
Niềm vui lãi lớn cũng xuất hiện ở những tập đoàn khác. A.P. Moller-Maersk, đối thủ hàng đầu của COSCO Shipping, báo cáo doanh thu 6 tháng đầu năm nhích khoảng 44% lên 26,66 tỷ USD, trong khi lợi nhuận ròng bật tăng gần 10 lần lên 6,4 tỷ USD.
Doanh thu của Pacific Basin Shipping - một hãng vận tải hàng khô rời có trụ sở tại Hong Kong, tăng 68% trong nửa đầu năm lên 1,14 tỷ USD. Đáng chú ý, sau khi ghi nhận khoản lỗ ròng 222,4 triệu USD vào nửa đầu năm 2020, Pacific Basin đã báo lãi ròng 160,1 triệu USD trong 6 tháng đầu của năm nay.
Ông Mats Berglund, người vừa từ chức CEO vào cuối tháng 7, gọi đây là kết quả nửa đầu năm tốt nhất của Pacific Basin trong 13 năm qua.
Các doanh nghiệp "ăn theo" cũng báo lãi
Theo Nikkei, các công ty vận hành cảng biển, dịch vụ logistics và đường sắt cũng công bố lãi lớn.
COSCO Shipping Ports đang quản lý 357 bến tàu tại 36 cảng biển trên toàn thế giới. Doanh nghiệp này cho biết doanh thu nửa đầu năm 2021 tăng 25% lên 564,9 triệu USD nhờ tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển.
Chia sẻ với các phóng viên, Chủ tịch Zhang Dayu của COSCO Shipping Ports nói rằng dù chi phí neo đậu chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu của công ty, khoản thu này ở "một số cảng đã tăng hai chữ số hoặc thậm chí cao hơn".
Ông Zhang muốn nắm bắt cơ hội mới để điều hướng thêm hàng hóa đến cảng cảng của COSCO Shipping Ports trong quý III. Ngoài ra, vị chủ tịch còn muốn tiếp tục tăng phí xếp dỡ hàng trong nửa cuối năm nay sau khi ghi nhận kết quả khả quan trong nửa đầu năm.
Tương tự, doanh thu của Kerry Logistics Network ­- một hãng dịch vụ logistics, nhảy vọt 68% lên 4,71 tỷ USD trong khi lợi nhuận ròng tăng hơn ba lần lên hơn 434 triệu USD.
Theo bà Vic Cheung, CEO của Kerry Logistics, cảng biển trên khắp thế giới không bị phong tỏa cũng bị tắc nghẽn, khó khăn chồng chất. Khi các cảng trong lộ trình gặp sự cố, công ty sẽ chuyển hướng tàu container đến các cảng gần nhất.
Các nhà cung cấp dịch vụ khác như Sinotrans của nhà nước Trung Quốc cũng hưởng lợi từ tình trạng nghẽn ứ tại nhiều cảng biển trên toàn cầu. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của Sinotrans bật tăng 55% lên 9,5 tỷ USD và lợi nhuận ròng tăng 78% lên hơn 334 triệu USD.
Một số công ty vận hành đường sắt cũng gặt hái thành công, dù mức tăng không cao bằng những doanh nghiệp trên. Chẳng hạn, doanh thu của Guangshen Railway nhích khoảng 30% lên gần 1,5 tỷ USD và lợi nhuận ròng đạt 661.000 USD. Nửa đầu năm ngoái, công ty này báo lỗ ròng 95 triệu USD.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dịch vụ chuyên chở hành khách giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục bị gián đoạn nên Guangshen Railway đã chuyển đổi các toa tàu chở khách thành tàu chở hàng. Doanh thu vận chuyển hàng hóa nhờ đó tăng 35% lên gần 155 triệu USD.

Nguồn:vietnambiz.vn

Link gốc