menu search
Đóng menu
Đóng

Tranh luận việc tiêu 14 nghìn tỷ đồng vốn còn dư

09:17 22/09/2015

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn này để đầu tư cho một số dự án khác. Như một số cầu yếu, một số tuyến tránh một số đoạn trên quốc lộ 1 và nhiều dự án liên quan đến tuyến quốc lộ này.

Chiều 21/9, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trí Dũng cho biết, sau khi hoàn thành, hai dự án trên sẽ tiết kiệm được 14.259/61.680 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đã được phân bổ theo nghị quyết của Quốc hội.

Và Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn này để đầu tư cho một số dự án khác. Như một số cầu yếu, một số tuyến tránh một số đoạn trên quốc lộ 1 và nhiều dự án liên quan đến tuyến quốc lộ này.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho hay là Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đủ thẩm quyền để quyết định phân bổ nguồn vốn này cho các dự án ngoài danh mục mà Quốc hội đã quyết định.

Qua rà soát sơ bộ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rằng, trong số các dự án được Chính phủ trình, thì một số dự án nằm ngoài danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, được cho là chưa bảo đảm tính hợp lý để sử dụng nguồn vốn này.
 
Như: dự án cầu Gián Khẩu và quốc lộ 12B không nằm trên tuyến quốc lộ sau khi cải tạo. Đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình đã hoàn thành giai đoạn 1 hiện đủ nguồn lực phục vụ kết nối và trong tương lai sẽ làm đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa, nên cân nhắc việc tiếp tục nâng cấp.

Ủy ban cũng cho rằng dự án triển khai xây dựng cầu vượt tại một số vị trí giao cắt với đường sắt nhánh và quốc lộ 1A cũng cần cân nhắc đầu tư, vì chưa làm rõ hiệu quả.

Ủy ban đề nghị Chính phủ có tờ trình trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 10 về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Theo Chủ tịch Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể quyết định được, vì nếu có chủ trương mới mới cần xin ý kiến Quốc hội, còn ở đây, Chính phủ không xin phát hành thêm trái phiếu và cũng không phân bổ đi nơi khác, mà vẫn làm hai tuyến đường đã được Quốc hội đồng ý.

Nhiều ý kiến khác đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội.

Dẫn Nghị quyết 65 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển khẳng định nguồn vốn được phân bổ theo từng dự án cụ thể theo phụ lục đính kèm, và đã quy định rất cụ thể là dự án nào thực hiện từ đoạn nào chứ không chỉ nói chung chung.

Nhận xét ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là nghiêm túc chứ không phải cứng nhắc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksro Phước nhấn mạnh: "Quốc hội chỉ đích danh từng dự án là Quốc hội muốn minh bạch, vì đây là tiền của chung chứ không phải của ông nào".

Vì thế, ông Ksor Phước cho rằng, “nếu Thường vụ quyết luôn cũng không được, ta phải làm gương cho đại biểu, chứ không nên tự ta hứng lên ta làm, đại biểu ai dám cãi chúng ta, người ta bực mình lắm mà người ta không nói đâu, ta không làm gương thì không nói được người khác”.

“Nếu phân bổ đi nơi khác thì không được, còn vẫn làm đường Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên thì vẫn là đúng mục tiêu, nhiệm vụ”, Chủ tịch Quốc hội kiên trì quan điểm.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng giữ quan điểm, trái phiếu liên quan đến nợ công thì cần tôn trọng quyết định của Quốc hội.

“Nếu chưa đồng thuận cao thì Quốc hội cũng sắp họp rồi, sẽ báo cáo Quốc hội quyết định”, Chủ tịch Quốc hội nói.

“Nguyên tắc bất di bất dịch là trái phiếu Chính phủ chỉ phân bổ theo danh mục mà danh mục đó phải do Quốc hội quyết định. Chưa nói các dự án mà Chính phủ muốn sử dụng vốn dư phần lớn lại nằm ngoài danh mục trái phiếu Chính phủ”, Chủ nhiệm Hiển tiếp tục bảo vệ quan điểm của cơ quan thẩm tra.

Theo Nguyễn Lê
VnEconomy

Nguồn:VnEconomy