Theo ông Trần Văn Hùng - chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, lực lượng trong ban phòng chống lụt bão đã bồi đắp gia cố thân đập, đồng thời nắn dòng chảy để xử lý xong sự cố. Các vị trí xung yếu được đắp thêm các rọ đá, bao cát để nâng cao và làm dày thêm thân đập.
Sau khi nước rút, hàng ngàn hộ dân ở những khu bị ngập nặng như P.Hà Khánh, P.Hà Phong, Hà Tu, Cao Thắng (TP Hạ Long), P.Mông Dương, Quang Hanh (TP Cẩm Phả)... đối mặt với nguy cơ dịch bệnh.
31.000 quân sẵn sàng đối phó mưa lũ
Sau những ngày dầm mình dưới nước để chạy lũ, bà Đỗ Thị Chính (P.Hà Khánh) cho biết một số người lớn bắt đầu bị ngứa vì nước bẩn, trẻ em bị đau mắt đỏ. “Nhà cửa, ruộng vườn tan nát hết cả rồi, không biết bắt đầu lại từ đâu” - bà Chính lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Đọc, bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho biết lực lượng của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn đã tiếp cận được các khu dân cư bị cô lập để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân.
“Ngành y tế cũng đã lên phương án đề phòng nguy cơ dịch bệnh sau lũ. Tỉnh trích 15 tỉ đồng cho các địa phương bị thiệt hại nặng để cứu trợ, khắc phục hậu quả. Chúng tôi tiếp tục dồn sức để phòng chống và sẽ không để người dân bị đói rét” - ông Đọc nói.
Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác ứng phó với mưa lũ với sự tham gia của các địa phương từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc.
Hội nghị do ông Cao Đức Phát - bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai - chủ trì.
Theo trình bày của ông Hoàng Đức Cường - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong ngày hôm qua mưa ở khu vực Đông Bắc bộ đã giảm hẳn. Nhưng một số nơi như Cửa Ông (Quảng Ninh), Chi Lăng (Lạng Sơn) lượng mưa vẫn đạt 200mm.
Mưa lũ lan dần
Ông Cường nhận định từ chiều tối 31-7 đến 4-8 mưa sẽ lan dần vào các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Lượng mưa dự báo ở trung du, miền núi phía Bắc từ 100 - 300mm, có nơi 400 - 500mm. Trọng tâm mưa là các tỉnh miền núi phía Bắc. Khu vực đồng bằng Bắc bộ mưa khoảng 100 - 200mm.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế mưa từ 50 - 100mm. Mưa to, mưa trên diện rộng sẽ gây nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất.
Đại tá Vũ Thế Chiến, phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, cho biết chuẩn bị ứng phó với đợt mưa sắp tới, quân đội đã sẵn sàng 31.000 cán bộ chiến sĩ cùng 860 phương tiện ứng cứu để hỗ trợ các tỉnh miền núi phía Bắc.
Kết luận hội nghị, ông Cao Đức Phát đề nghị các địa phương chuẩn bị phương án phòng tránh, theo dõi sát sao diễn biến và rút kinh nghiệm trong đợt mưa vừa qua ở Quảng Ninh, đồng thời thường xuyên thông báo, cập nhật tình hình thời tiết để người dân chủ động phòng chống.
Ông Phát cũng đề nghị Bộ Công thương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, mời các chuyên gia đánh giá tình trạng sạt lở của các bãi thải than, chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam kiểm tra các hầm mỏ, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn bố trí sẵn lực lượng tại các vùng có nguy cơ xảy ra sự cố.
2 xã đảo của Hải Phòng chìm trong biển nước
Mưa lớn cùng với nước biển dâng cao khiến khu vực dân cư ở các xã đảo Việt Hải, Gia Luận (huyện Cát Hải, Hải Phòng) bị nhấn chìm trong nước.
Ông Phạm Văn Hà, chủ tịch UBND huyện Cát Hải, cho biết đến chiều 30-7, tại hai xã này vẫn có mưa vừa đến mưa to. Một số nơi nước ngập dâng cao đến 2,5m, ngập lút mái nhà dân.
Theo ông Hà, có khoảng 30 gia đình tại xã Việt Hải bị nước dâng lên ngập qua mái nhà, nhiều gia đình khác bị nước ngập đến cửa sổ. UBND xã đã bố trí lực lượng di tản kịp thời những người dân ở khu vực ngập nặng.
Tại xã đảo Gia Luận, một số điểm trên đường vào cũng bị ngập khoảng 1m, gần 10 hộ gia đình đã được di tản đến nơi an toàn vì nước ngập quá nóc nhà.
Ông Hà khẳng định cho tới thời điểm hiện nay không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, do nước dâng lên nhanh kèm theo lũ ống xuất hiện nên hầu hết tài sản, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân đều ngập.
Theo TUẤN PHÙNG - THÂN HOÀNG - ĐỨC HIẾU - NGUYỄN KHÁNH - TIẾN THẮNG
Tuổi trẻ
Nguồn:Tuổi trẻ