Báo cáo chuyên đề về thị trường lao động do Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố ngày 20/7 cho thấy, Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) một phần là nhờ chi phí nhân công rẻ. Vì vậy, mức lương tối thiểu rất cao sẽ ngăn cản thu hút vốn đầu tư FDI và việc làm tạo ra nhờ FDI.
Lương tối thiểu tại Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây, vượt tăng trưởng năng suất lao động. Lương tối thiểu tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2006 trong khi tăng năng suất lao động thấp hơn nhiều.
"Tăng mức lương tối thiểu góp phần làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia như Bangladesh hoặc Campuchia, những nước có mức tiền lương thấp hơn Việt Nam" - World Bank dẫn lại báo cáo của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey vào năm 2012.
World Bank cho rằng quy định về lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa tác động trực tiếp tới 22% lao động Việt Nam làm công ăn lương “chính thức”, những người có hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Việc tăng lương tối thiểu sẽ dịch chuyển lao động từ khu vực chính thức sang khu vực không chính thức. Bởi lẽ, nếu lương tối thiểu vượt năng suất của người lao động thì chủ lao động có thể tuyển lao động không chính thức, không ký hợp đồng để tránh các quy định về lương tối thiểu, World Bank cảnh báo.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam muốn chuyển dịch lên nấc thang cao hơn nữa trong quá trình sản xuất thì cần đầu tư vào kỹ năng, tay nghề cho người lao động, cung cấp cho các doanh nghiệp lao động chất lượng tốt hơn.
Ngoài ra, theo World Bank, để khuyến khích sự tăng trưởng lâu dài của các công việc hưởng lương, Việt Nam có thể xem xét điều hòa việc tăng lương tối thiểu trong tương lai với sự tăng lên về năng suất lao động.
Tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hôm 14/7, các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá nguồn lao động Việt Nam phong phú, chi phí thấp hơn so với các nước lân cận. Song, đại diện một doanh nghiệp Hàn Quốc bày tỏ lo lắng liệu 10 năm tới, những ưu điểm này có còn tồn tại hay Việt Nam sẽ trở thành một Trung Quốc thứ hai, mất dần lợi thế khiến nhà đầu tư phải dịch chuyển.
Khi đó ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trấn an nhà đầu tư rằng theo tính toán, dân số Việt Nam sẽ đạt đỉnh ở mốc 130 triệu người, sau đó mới đi xuống. Tuy nhiên, phải 30-40 năm nữa tình trạng này mới có thể xảy ra.
Phạm Hà Nam