Xuất khẩu vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế trị giá 18 nghìn tỷ USD, vốn đang chịu áp lực từ cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và niềm tin tiêu dùng suy yếu. Dù các nhà hoạch định chính sách có thể tạm yên tâm khi các biện pháp gần đây giữ cho nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng "khoảng 5%", các thách thức như nguy cơ tăng thuế từ Mỹ làm mờ triển vọng năm 2025.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề xuất áp thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tái diễn cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc.
Thêm vào đó, các tranh chấp chưa được giải quyết với Liên minh Châu Âu về mức thuế lên tới 45,3% đối với xe điện Trung Quốc đang đe dọa kế hoạch mở rộng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc và giải quyết tình trạng dư thừa công suất gây giảm phát.
“Xu hướng tăng tốc xuất khẩu vào tháng 12/2024 trở nên rõ rệt hơn do tác động của dịp Tết Nguyên đán và lễ nhậm chức của ông Donald Trump,” ông Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Economist Intelligence Unit, nhận định.
“Tăng trưởng nhập khẩu có thể được hỗ trợ bởi chiến lược dự trữ hàng hóa như đồng và quặng sắt khi giá ở mức thấp,” ông nói thêm.
Theo dữ liệu hải quan, xuất khẩu trong tháng 12/2024 tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023, vượt dự báo tăng trưởng 7,3% trong khảo sát của Reuters và cao hơn mức tăng 6,7% của tháng 11/2024.
Nhập khẩu bất ngờ tăng 1,0%, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2024, trong khi các nhà kinh tế dự báo mức giảm 1,5%
Thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng lên 104,8 tỷ USD trong tháng 12/2024, từ 97,4 tỷ USD trong tháng 11/2024. Thặng dư thương mại của nước này với Mỹ cũng tăng từ 29,81 tỷ USD lên 33,5 tỷ USD.
Theo một phát ngôn viên hải quan Trung Quốc, nước này vẫn có nhiều dư địa để tăng trưởng nhập khẩu trong năm nay.
Nhờ đồng nhân dân tệ suy yếu, các nhà sản xuất Trung Quốc đã tìm được khách hàng ở nước ngoài để bù đắp nhu cầu nội địa suy giảm bằng cách tiếp tục giảm giá, theo các nhà phân tích.
Kết quả là xuất khẩu của Trung Quốc tăng 5,9% trong cả năm 2024, trong khi nhập khẩu chỉ tăng 1,1%.
Các nhà phân tích của Barclays cho biết: "Việc xuất khẩu tăng hai con số trong tháng 12/2024 (dẫn đầu bởi Mỹ và ASEAN), cùng với sự gia tăng trong đơn hàng xuất khẩu mới theo Chỉ số Quản lý Sức mua (PMI), củng cố dự báo rằng mối đe dọa từ thuế có thể tác động đến xu hướng xuất khẩu trong vài quý tới. Điều này bao gồm khả năng xuất khẩu tăng mạnh trước khi các mức thuế mới được áp dụng, sau đó là sự suy giảm. Nhìn chung, chúng tôi cho rằng mức tăng nhập khẩu khiêm tốn và Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm cho thấy sự phục hồi gần đây của nhu cầu nội địa vẫn còn yếu”
Triển vọng phục hồi
Những dấu hiệu ổn định đã xuất hiện sau các chính sách kích thích gần đây của Trung Quốc. Hoạt động sản xuất tiếp tục tăng trưởng nhẹ trong tháng thứ ba liên tiếp, trong khi lĩnh vực dịch vụ và xây dựng phục hồi vào tháng 12/2024.
Hàn Quốc, một chỉ báo quan trọng về nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc, ghi nhận xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 8,6% trong tháng 12/2024, cho thấy nhu cầu đối với sản phẩm công nghệ vẫn mạnh mẽ.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc năm 2024 tăng năm thứ hai liên tiếp, đạt mức cao kỷ lục do giá thấp kích thích mua vào và nhu cầu vẫn ổn định dù cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài tiếp tục ảnh hưởng đến tiêu thụ thép.
Quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới cũng đã mua một lượng đậu tương kỷ lục trong năm 2024, sau khi các nhà nhập khẩu lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã gấp rút mua đậu tương Mỹ trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm trong năm 2024, lần đầu tiên giảm trong hai thập kỷ (ngoại trừ giai đoạn đại dịch COVID-19), do tăng trưởng kinh tế chậm lại và tiêu thụ nhiên liệu đạt đỉnh.
Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cam kết sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ và thực hiện chính sách tài khóa chủ động hơn vào năm 2025, nhằm giảm áp lực bên ngoài và thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2025, một mục tiêu từng gặp nhiều thách thức vào năm 2024.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters