Biểu đồ: T.Bình.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, kỳ 1 tháng 8 (1-15/8), kim ngạch xuất khẩu đạt 15,13 tỷ USD, giảm 6,9% (tương ứng giảm 1,13 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 7/2022.
Xuất khẩu kỳ 1 tháng giảm so với kỳ 2 tháng 7/2022 ở một số nhóm hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 412 triệu USD, tương ứng giảm 18,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 308 triệu USD, tương ứng giảm 13,7%; sắt thép các loại giảm 203 triệu USD, tương ứng giảm 50,8%; giày dép các loại giảm 162 triệu USD, tương ứng giảm 13,8%...
Như vậy, tính đến hết 15/8/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 232,76 tỷ USD, tăng 17,7% tương ứng tăng 35,06 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 6,1 tỷ USD, tương ứng tăng 28,5%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,61 tỷ USD, tương ứng tăng 14,4%; hàng dệt may tăng 4,48 tỷ USD, tương ứng tăng 22,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,46 tỷ USD, tương ứng tăng 15,3%...
Đáng chú ý, đến 15/8 có 6 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên, tăng 1 nhóm so với cùng kỳ năm ngoái.
Gỗ và sản phẩm là nhóm hàng mới nhất đạt dấu mốc này với kim ngạch 10,35 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, điện thoại và linh kiện đạt 36,72 tỷ USD tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu và tăng 14,36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhóm hàng còn lại là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; giày dép.
Nhìn chung các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều duy trì đà tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2021.
Với tổng kim ngạch 147,37 tỷ USD, 6 nhóm hàng chủ lực chiếm đến 63,31% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của các nhóm hàng trên là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản…
Nguồn:Haiquanonline