Các thống đốc ngân hàng trung ương của Mỹ, Khu vực đồng euro, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc đã cùng chia sẻ quan điểm về tác động của căng thẳng thương mại toàn cầu và xung đột tại Trung Đông đối với triển vọng lạm phát và tăng trưởng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát tại hầu hết các nền kinh tế đã phần nào được kiểm soát, một chủ đề sâu xa hơn đang chi phối các cuộc thảo luận: Liệu chính sách kinh tế bảo hộ và khó đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể làm lung lay trật tự tiền tệ quốc tế đã tồn tại suốt 80 năm qua?
“Giống như mọi người khác, họ đang vật lộn để hình dung thế giới sắp tới sẽ ra sao”, bà Isabelle Mateos y Lago, Kinh tế trưởng tại BNP Paribas - đồng thời là một diễn giả tại diễn đàn - chia sẻ. "Họ có lẽ đã nhận ra rằng chúng ta sẽ không có câu trả lời ngay. Vấn đề đặt ra là: Làm sao điều hành chính sách tiền tệ trong một thế giới như vậy?"
Tâm điểm là cuộc thảo luận vào chiều ngày 1/7 với sự tham gia của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cùng Thống đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản, Anh và Hàn Quốc.
Ông Powell nhiều khả năng sẽ là người chịu áp lực lớn nhất. Trong thời gian qua, ông đã chịu sức ép từ ông Trump yêu cầu hạ lãi suất nhưng vẫn giữ vững lập trường. Tuy nhiên, khả năng độc lập của Fed có thể bị đe dọa nếu Nhà Trắng can thiệp mạnh hơn vào việc bổ nhiệm người kế nhiệm ông Powell - đặc biệt khi ông Trump có thể công bố ứng viên thay thế ngay trước khi nhiệm kỳ của Powell kết thúc vào tháng 5 năm sau.
Theo các chuyên gia tại Investec, nếu người kế nhiệm được xem là sẵn sàng phục tùng theo chính sách của Tổng thống Donal Trump, điều đó có thể khiến niềm tin vào Fed và vị thế đồng USD suy yếu. Lo ngại này đã góp phần khiến USD giảm xuống mức thấp gần bốn năm, đạt 1,17 USD đổi 1 euro trong những tháng gần đây.
Cơ hội cho đồng euro?
Chủ tịch ECB Christine Lagarde hiện có cơ hội để quảng bá đồng euro như một biểu tượng ổn định tài chính - điều mà người tiền nhiệm Mario Draghi không thể làm do từng phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng đồng tiền chung.
Dù vậy, bà Lagarde và các chuyên gia đều thừa nhận rằng Liên minh Châu Âu vẫn cần nỗ lực nhiều hơn để cải thiệu sự thiếu thống nhất trong tài chính, kinh tế nếu muốn thách thức vị thế của đồng USD.
Theo khảo sát của OMFIF, khoảng 16% trong số 75 ngân hàng trung ương cho biết họ có kế hoạch tăng tỷ trọng dự trữ đồng euro trong 12 - 24 tháng tới, mức tăng mạnh nhất trong các loại tiền tệ, nhưng vẫn xếp sau vàng.
“Tôi lạc quan hơn về tình hình Châu Âu so với nhiều năm qua, nhưng không có gì đảm bảo sẽ thành công,” bà Mateos y Lago nhận định.
Những thách thức khác
Thống đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh cũng có những thách thức riêng.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang trở nên thận trọng hơn với kế hoạch nâng lãi suất, trong bối cảnh lạm phát giá thực phẩm vẫn cao và lo ngại tác động từ các mức thuế mới của Mỹ.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, vốn từng lo ngại làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, có thể phải chấm dứt chu kỳ nới lỏng hiện tại do thị trường bất động sản bất ngờ tăng giá.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh cũng đang đối mặt với tình trạng phân hóa trong nội bộ khi 3/9 thành viên ủy ban chính sách đã bỏ phiếu ủng hộ cắt giảm lãi suất trong tháng này, dù lạm phát vẫn bị thúc đẩy bởi tăng trưởng lương mạnh.
“Chúng ta đang thấy sự chia rẽ ngày càng rõ trong cách các nhà hoạch định chính sách và giữa các nhà kinh tế. Mọi người cần theo dõi sát sao và sẵn sàng ứng phó”, ông Gordon Kerr, chiến lược gia vĩ mô tại KBRA, nhận xét.
Nguồn:Vinanet/VITIC/Reuters