menu search
Đóng menu
Đóng

Định vị hàng Việt bằng chất lượng

09:06 11/08/2016

Sau 7 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đã giúp hàng Việt định vị trong tâm trí người tiêu dùng, được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa. Tuy nhiên, để đi được “đường dài” và hàng Việt thực sự có sức cạnh tranh trên thị trường thì yếu tố chất lượng là điều quan trọng hơn cả.

Những “điểm sáng”

Đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ cho thấy, thời gian qua, CVĐ đã đạt được hiệu quả kép khi tạo được ý thức cho người dân ưu tiên lựa chọn, mua sắm và sử dụng hàng Việt Nam. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp (DN) sản xuất có ý thức đầu tư công nghệ, sản xuất ra các sản phẩm đạt chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Không thể không kể đến những nỗ lực của các DN Việt trong việc chinh phục người tiêu dùng nội địa. Đơn cử như chỉ cách đây vài năm, hàng dệt may Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài thì gần đây, các DN đã chú trọng sản xuất các sản phẩm chất lượng, đầu tư hệ thống phân phối để giúp người tiêu dùng có cơ hội sở hữu những sản phẩm tốt nhất. Đơn cử, Tổng công ty CP Phong Phú đã tập trung cho những dòng sản phẩm như khăn bông cao cấp Mollis, chăn drap áo gối Pelife và quần áo thời trang Open. Cùng với việc mở rộng hệ thống phân phối, các sản phẩm này của Phong Phú đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong nước.

Hoặc khóa Việt Tiệp đã tạo được uy tín bằng cách tập trung vào điều chỉnh sản phẩm phù hợp với thị hiếu và bối cảnh Việt Nam; đẩy mạnh nghiên cứu thị hiếu, đầu tư công nghệ để phát triển hàng Việt Nam; tham gia tích cực vào các hội nghị, hội chợ xúc tiến về hàng Việt và nỗ lực chống hàng nhái, hàng giả. Nhờ đó, sản phẩm có thương hiệu và doanh thu tốt, được người tiêu dùng Việt ưa chuộng.

Nâng cao ý thức sản xuất hàng chất lượng

Theo đánh giá của ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ, bên cạnh những DN đã nỗ lực đầu tư sản xuất các sản phẩm Việt có chất lượng, vẫn còn nhiều DN chưa mặn mà với hoạt động này.

Có thể thấy, mặc dù có tỷ lệ “bao phủ” tại hệ thống siêu thị lên đến 80%, tại chợ nông thôn lên đến 60%, nhưng hàng Việt vẫn chỉ tập trung ở những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp như rau quả, hàng may mặc, da giày... Bên cạnh đó, nếu so sánh với hàng hóa của những đối thủ như Thái Lan thì hàng Việt chưa cạnh tranh được cả về giá, sự đa dạng về mẫu mã và chất lượng. Chưa kể, do chưa chú trọng đầu tư xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng đến các sản phẩm chính hãng.

Do đó, trong thời gian tới, ông Tô Hoài Nam cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để bên cạnh việc tạo ý thức cho người tiêu dùng, DN cũng cần có ý thức mạnh hơn về việc tiếp tục đầu tư công nghệ, sản xuất ra những hàng có thương hiệu, chất lượng tốt, mẫu mã phù hợp với thị hiếu. DN phải xác định là với 90 triệu dân, thị trường trong nước là thị trường rất lớn và nếu khai thác tốt, đây là nguồn thu vô cùng lớn cho DN.

Để khắc phục nạn hàng nhái, hàng nhập lậu luồn lách đến mọi ngõ ngách của thị trường, ảnh hưởng đến hàng chính hãng, vai trò quản lý của Nhà nước phải được tăng cường, đặt mục tiêu bảo vệ an toàn và ưu tiên hàng Việt Nam nhưng vẫn không vi phạm các Hiệp định thương mại đã ký.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ: Hiệp hội đang có những giải pháp hỗ trợ cho các DN như sản xuất tem chống hàng giả; tìm nguồn vốn rẻ cho các chương trình đổi mới sản xuất hàng Việt Nam; xây dựng hệ thống liên kết giữa các DN bán hàng Việt Nam từ khâu sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho đến người tiêu dùng, giúp giảm thiểu tối đa chi phí trung gian.

Nguồn: Bảo Ngọc/Báo Công Thương điện tử