menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp Nhà nước sẽ được xếp hạng A, B, C

15:41 08/10/2015

Vinanet - Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tiêu chí quan trọng dùng để phân loại là lợi nhuận sau thuế và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu.
5 tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động DNNN

Theo Nghị định 87/2015/NĐ-CP, có 5 tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước.

5 tiêu chí gồm: 1- Doanh thu; 2- Lợi nhuận sau thuế và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu; 3- Nợ phải trả quá hạn, khả năng thanh toán nợ đến hạn; 4- Chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, pháp luật về thuế và các khoản thu nộp ngân sách khác, quy định về chế độ báo cáo tài chính và báo cáo để thực hiện giám sát tài chính; 5- Tình hình thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích.

Các tiêu chí nêu trên được xác định và tính toán từ số liệu trong các báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, báo cáo thống kê định kỳ theo quy định hiện hành của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập và của công ty mẹ.

Các tiêu chí 1, 2, 4, 5 nêu trên khi tính toán được xem xét, loại trừ các yếu tố tác động: Do nguyên nhân khách quan như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh và các nguyên nhân bất khả kháng khác; do đầu tư mở rộng phát triển sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm ảnh hưởng đến lợi nhuận trong hai năm đầu kể từ năm đưa công trình đầu tư vào sử dụng; do nhà nước điều chỉnh giá (đối với sản phẩm do Nhà nước định giá) làm ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp hoặc phải thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với doanh nghiệp được thành lập và thực tế hoạt động thường xuyên ổn định và chủ yếu là cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, việc xếp loại doanh nghiệp căn cứ vào từng tiêu chí 1, 3, 4 và tiêu chí 5 nêu trên.

Xếp loại doanh nghiệp A, B, C

Căn cứ các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu giao các chỉ tiêu đánh giá, xếp loại phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp. Các chỉ tiêu này phải giao cho doanh nghiệp bằng văn bản trước ngày 30/4 của năm kế hoạch và không được điều chỉnh trong suốt kỳ thực hiện kế hoạch (trừ các trường hợp bất khả kháng lớn).

Kế hoạch hằng năm phải bao gồm các mục tiêu tài chính cụ thể.

Việc đánh giá hiệu quả và xếp loại doanh nghiệp thực hiện trên cơ sở so sánh giữa kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được cơ quan đại diện chủ sở hữu giao với kết quả thực hiện.

Kết quả đánh giá và xếp loại doanh nghiệp được phân loại: Doanh nghiệp xếp loại A, doanh nghiệp xếp loại B, doanh nghiệp xếp loại C theo mức độ hoàn thành các chỉ tiêu đánh giá do cơ quan đại diện chủ sở hữu giao cho từng doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, căn cứ kết quả phân loại cho từng tiêu chí 1,2,3 và 4 để xếp loại. Doanh nghiệp xếp loại A khi không có tiêu chí xếp loại C, trong đó tiêu chí 2 và 4 được xếp loại A.

Doanh nghiệp xếp loại C khi có tiêu chí 2 xếp loại C hoặc có tiêu chí 2 xếp loại B và 3 tiêu chí còn lại xếp loại C. Doanh nghiệp không thuộc 2 nhóm trên được xếp loại B.

Đối với doanh nghiệp được thành lập và thực tế hoạt động thường xuyên ổn định và chủ yếu là cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích
thì căn cứ tiêu chí 1,3,4 và 5 để xếp loại.

Doanh nghiệp xếp loại A khi không có tiêu chí xếp loại C, trong đó tiêu chí 4 và 5 được xếp loại A.

Doanh nghiệp xếp loại C khi có tiêu chí 5 xếp loại C hoặc có tiêu chí 5 xếp loại B và 3 tiêu chí còn lại xếp loại C. Doanh nghiệp không thuộc 2 nhóm trên được xếp loại B.

Thục Anh