menu search
Đóng menu
Đóng

Kết quả thực hiện nghị quyết 19: "Vênh" giữa Bộ Tài chính và thực tế

15:19 24/09/2015

Vinanet - Sau 6 tháng thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tuy các Bộ và địa phương đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận song cần phải nỗ lực hơn nữa mới đạt được mục tiêu đề ra

Đầu tháng 3, Chính phủ đã đưa ra nghị quyết 19 với mục tiêu năm 2015 phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippins, Indonesia và Brunei). Đến năm 2016, tối thiểu đạt mức trung bình ASEAN-4 (Indonesia, Malaysia, Philippines, và Thái Lan) trên một số chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, Bản báo cáo 6 tháng thực hiện nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố sáng nay cho thấy các Bộ và địa phương vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa mới đạt được những mục tiêu đề ra.

Trên lĩnh vực Bảo hiểm xã hội (BHXH) Nghị quyết 19 yêu cầu giảm thời gian nộp BHXH từ 335 giờ/năm xuống còn 49,5 giờ/năm. Nhằm thực hiện mục tiêu trên, BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp như ứng dụng Công nghệ thông tin vào hoạt động nộp BHXH.

Cơ quan này cũng tiến hành ký hợp đồng cung cấp dịch vụ về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH với 4 nhà cung cấp, nhằm triển khai giao dịch điện tử trong việc tham gia BHXH, BHYT… Tuy vậy cho đến nay, báo cáo CIEM cho thấy thời gian nộp giảm nhiều song vẫn chưa đạt được mục tiêu trên.

Trên lĩnh vực thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành với hàng hóa xuất-nhập khẩu, Nghị quyết 19 yêu cầu giảm thời gian thông quan hàng hóa. Cụ thể, thời gian xuất khẩu phải giảm từ 21 ngày xuống còn 14 ngày, thời gian nhập khẩu giảm từ 21 ngày còn 13 ngày.

Tuy nhiên theo đánh giá của CIEM, những chỉ tiêu này vẫn chưa đạt được, mặc dù Luật hải quan (2014) và các văn bản hưỡng dẫn đã giảm được 55 thủ tục hành chính như bãi bỏ 14 thủ tục và đơn giản hóa 41 thủ tục, điện tử hóa trong thực hiện thủ tục hải quan.

Đối với chỉ tiêu tiếp cận điện năng, mục tiêu đưa ra trong năm 2015 là giảm thời gian tiếp cận điện năng từ 115 ngày xuống còn tối đa 70 ngày (trong đó 36 ngày thuộc trách nhiệm của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan liên quan. Song theo CIEM nhận định, chỉ tiêu này vẫn chưa hoàn thành do tính riêng thời gian doanh nghiệp thuê thiết kế và thực hiện công trình đã chiếm tới 63 ngày.

Báo cáo cũng chỉ ra hiện tượng “vênh” giữa kết quả của Bộ Tài Chính và kết quả mà CIEM khảo sát doanh nghiệp. Cụ thể, theo báo cáo Bộ Tài chính, thời gian nộp thuế giảm 370 giờ năm 2014, và 50 giờ trong năm 2015. Như vậy, tổng thời gian đến nay giảm được 420 giờ tương đương với 78% số giờ thực tế, vượt chỉ tiêu đề ra trước đó của chính phủ.

Tuy nhiên theo ghi nhận của CIEM, doanh nghiệp phản ánh giảm được khoảng 20% thời gian (tương đương 110 giờ). Đại diện CIEM, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh nhấn mạnh: “Tính toán của BTC dựa trên sửa đổi văn bản chính sách. Trong khi đó, tâm lý doanh nghiệp chưa thật sự tin vào những cải cách, nên vẫn thực hiện theo phương pháp cũ”.

Tổng kết lại, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng về cơ bản các Bộ và địa phương vẫn chưa thực hiện được những mục tiêu đề ra của Chính phủ. Ông cũng cho rằng các cơ quan cần nâng cao quyết tâm thực hiện và phối hợp lẫn nhau để có thể hiện thực hóa những mục tiêu này. “Những mục tiêu liên quan đế một bộ thì triển khai có vẻ thuận lợi, chỉ tiêu liên quan đến nhiều bộ như thông quan biên giới thì triển khai rất ì ạch”, ông Cung phân tích.

Đức Anh