menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế thế giới tuần đến 5/7/2019

11:00 05/07/2019

Vinanet -Những thông tin về diễn biến của cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc và những tác động ảnh hưởng… tiếp tục là những thông tin đáng chú ý trên thế giới tuần qua.
Đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN sẽ tăng mạnh trong 10 năm tới
Tờ The Nation dẫn lời chuyên gia về địa chính trị của Đại học Chulalongkorn Thái Lan nhận định rằng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực chế tạo của khu vực Đông Nam Á sẽ tăng mạnh trong thập niên tới.
Điều này là do những chính sách của Trung Quốc liên quan tới việc tái định hướng chuỗi cung ứng toàn cầu tới ASEAN trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc lên kế hoạch đàm phán thương mại vào tuần tới
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một cuộc đàm phán thương mại cấp cao thông qua điện đàm vào tuần tới, nhưng hiện vẫn chưa có lịch cụ thể cho một cuộc gặp trực tiếp.
Phát biểu trên kênh Fox Business Network ngày 5/7, Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết hai bên đang lên kế hoạch cho một cuộc đàm phán trực tiếp và hiện vẫn chưa có lịch cụ thể, nhưng trước đó quan chức hai nước sẽ tiến hành đàm phán qua điện đàm.
Mỹ và 15 quốc gia phản đối quy định của EU về thuốc bảo vệ thực vật
Ngày 4/7, Mỹ và 15 quốc gia khác đã gửi báo cáo lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng loạt cho rằng cách tiếp cận của Liên minh châu Âu (EU) trong quy định về thuốc trừ sâu và các công cụ thiết yếu mà người nông dân sử dụng đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người nông dân ở nhiều nước.
Nông dân Mỹ hối Chính phủ nhanh đạt FTA với Nhật do lo ngại mất thị phần
Nông dân Mỹ đang hối thúc Tổng thống Donald Trump nhanh chóng đạt được hiệp định thương mại tự do (FTA) với Nhật Bản, trước những lo ngại về khả năng mất thị phần tại đây sau khi hai hiệp định thương mại tự do không có sự góp mặt của Mỹ gần đây đã chính thức có hiệu lực.
Việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực hồi tháng 12/2018 đã giúp cắt giảm thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp từ Australia, Canada, Mexico và New Zealand, qua đó làm giảm khả năng cạnh tranh của Mỹ tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Mỹ kiện Ấn Độ lên WTO về tăng thuế hàng hóa nhập khẩu
Ngày 4/7, Mỹ đã kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các mức thuế quan mà Ấn Độ áp đặt với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, nhằm đáp trả việc Washington từ chối miễn trừ New Delhi khỏi các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm.
Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh Mỹ cũng đang có những khiếu nại đối với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác về những đòn áp thuế trả đũa tương tự.
Trung Quốc: Mỹ phải dỡ bỏ thuế để đạt thỏa thuận thương mại
Ngày 4/7, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố Mỹ phải dỡ bỏ các mức thuế đối với hàng hóa củaTrung Quốc để hai bên có thể đạt được một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại.
Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nhấn mạnh việc Mỹ đơn phương tăng thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ là điểm khởi đầu cho những mâu thuẫn kinh tế và thương mại Trung - Mỹ.
Trung Quốc tuyên bố không tham gia phá giá tiền tệ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 4/7 cho biết nước này sẽ không tham gia phá giá tiền tệ nhằm giành lợi thế cạnh tranh.
Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chỉ trích chính sách ngoại hối của nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Canada nỗ lực thuyết phục Trung Quốc mở cửa lại thị trường thịt
Phát biểu với báo giới tại Montreal ngày 3/7, Bộ trưởng Nông nghiệp Canada Marie-Claude Bibeau cho biết, cách đây vài ngày, Canada đã đề xuất với Trung Quốc kế hoạch bổ sung thêm các biện pháp để siết chặt hơn hệ thống xuất khẩu thịt của Canada, với mục tiêu để Trung Quốc mở cửa lại thị trường ngay khi có thể. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp Canada không tiết lộ những chi tiết của kế hoạch này.
Tuần trước, Trung Quốc đã đề nghị Chính phủ Canada dừng cấp phép xuất khẩu thịt của Canada sang Trung Quốc, sau khi phát hiện giấy chứng nhận y tế thú y bị làm giả. Động thái này của Bắc Kinh đã làm leo thang căng thẳng mối quan hệ giữa Trung Quốc với Canada, sau các vụ bắt giữ công dân của nhau.
Con đường tiến tới thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung còn chông gai
Mỹ và Trung Quốc sẽ đối mặt với một con đường dài trước khi có thể đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại, và thậm chí sẽ tiếp tục trải qua những va chạm trong thời gian tới.
Bình luận này được truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo hai nước vừa thực hiện những cuộc đối thoại “làm tan băng” quan hệ song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka (Nhật Bản).
Thâm hụt thương mại của Mỹ chạm mức cao nhất trong 5 tháng
Số liệu chính thức được công bố ngày 3/7 cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng vào tháng Năm vừa qua, khi lượng ô tô nhập khẩu đạt mức cao kỷ lục.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của nước này đã tăng 8,4% lên 55,5 tỷ USD (số liệu đã được điều chỉnh theo mùa). Con số này cao hơn dự đoán trước đó của giới phân tích và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.
Chuyên gia cảnh báo thương chiến Mỹ Trung tăng nguy cơ suy thoái toàn cầu
Ông Thomas Donilon, một cựu cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama cho rằng việc tăng thuế đang gây tổn hại cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và nông dân Mỹ.
Đồng thời việc này cũng đang làm các đồng minh của Mỹ xa lánh. Các nhà phân tích cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu đang gia tăng.
Mỹ áp thuế 456% lên thép từ Việt Nam có xuất xứ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)
Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế tới 456% đối với một số mặt hàng thép được sản xuất tại Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), sau đó vận chuyển tới Việt Nam để gia công, xuất khẩu tới Mỹ.
Trong một tuyên bố, bộ trên cho biết đã phát hiện các sản phẩm thép không gỉ và thép cán nguội được sản xuất tại Việt Nam, sử dụng lớp lõi của Hàn Quốc và Đài Loan, để tránh các loại thuế chống phá giá và chống trợ giá của Mỹ.
Trung Quốc sẽ bỏ hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính vào năm 2020
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở thành phố Đại Liên (Trung Quốc), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 2/7 cho biết nước này từ năm 2020 sẽ dỡ bỏ hạn chế về sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tài chính trong nước, sớm hơn một năm so với kế hoạch đề ra trước đó.
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa hơn nữa lĩnh vực chế tạo, trong đó có công nghiệp ô tô, trong khi giảm hạn chế đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực.
Nguồn: VITIC Tổng hợp

Nguồn:Vinanet