menu search
Đóng menu
Đóng

Quan hệ Mỹ - EU đi về đâu dưới thời ông Trump?

10:11 13/02/2017

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vừa diễn ra tại Malta trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa châu Âu và Mỹ
Mặc dù những chủ đề chính thức được đưa ra thảo luận liên quan đến vấn đề người nhập cư, tương lai của EU hậu Brexit (việc Vương quốc Anh rời khỏi EU) và việc chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ký Hiệp ước Rome vào tháng Ba tới, song đây cũng là dịp các nhà lãnh đạo EU bày tỏ quan điểm đối với các chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đại Tây Dương "dậy sóng
"Ngay trước thềm cuộc họp thượng đỉnh EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã nói về những tuyên bố đầy lo ngại của chính quyền mới tại Mỹ và đánh giá rằng dường như Mỹ là “một mối đe dọa bên ngoài” bên cạnh “chính sách cứng rắn của Nga”, một “Trung Quốc quyết đoán” và “những cuộc chiến tranh, khủng bố và tình trạng vô chính phủ tại Trung Đông và châu Phi”. Ông cũng cho biết chính sự thay đổi ở Washington đang đặt EU vào tình huống rất khó khăn.
Ông Tusk đã kêu gọi 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên EU còn lại cùng nhau thực hiện một chính sách đối ngoại và quốc phòng chung mới của EU nhằm đảm bảo lợi ích địa chính trị và kinh tế chung, trong trường hợp cần thiết có thể đối lập với Washington.
Tổng thống Pháp François Hollande đã nói thẳng thừng: “Không thể nào chấp nhận được việc Tổng thống Mỹ lại đưa ra một loạt các tuyên bố gây áp lực lên EU về những vấn đề khối này phải làm và không phải làm gì”. Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi tăng cường vai trò quốc tế của EU nhằm đáp lại các chính sách của ông Trump.
Đồng thời bà nhắc lại tuyên bố trước đó rằng “EU nắm trong tay định mệnh của mình”. Trong khi đó, cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) và hiện là ứng cử viên Thủ tướng Đức Martin Schulzz cũng cáo buộc Tổng thống Trump đang thách thức “an ninh của thế giới phương Tây” và “bắt đầu cuộc chiến tranh văn hóa”.
Thương mại là chủ đề cốt lõi trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ liên tục chỉ trích các thỏa thuận thương mại quốc tế, cho rằng các hiệp định đó tước mất việc làm của người Mỹ và làm tổn thương sức cạnh tranh của nền kinh tế số 1 thế giới. Ông đã ký sắc lệnh hành pháp sẽ rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA)…, ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Giới quan sát đang dõi theo liệu ông Trump có thực hiện những lời cam kết khi tranh cử và cơ chế quyết sách thương mại như vậy liệu có đem lại hiệu quả hay không. Chính Thủ tướng Đức Merkel lên tiếng rằng EU cần khẩn trương khởi động đàm phán với các quốc gia tiềm năng khác nếu Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) không còn khả thi dưới thời chính quyền của tân Tổng thống Mỹ.
Căng thẳng giữa hai bên này còn tăng thêm khi người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia Mỹ Peter Navarro mới đây đã đưa ra cáo buộc rằng Đức đã “định giá rất thấp” đồng euro để thu lợi nhờ vào thặng dư thương mại với Mỹ. Đáp lại Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi ngày 6/2 đã nói trước EP rằng “chúng tôi không phải là những người thao túng tiền tệ”.
Sứ mệnh ngoại giao khó khăn
Bối cảnh trên đang đặt lên vai bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại EU, một sứ mệnh khó khăn hơn bao giờ hết trong chuyến thăm Mỹ kéo dài hai ngày 9-10/2. Chuyến thăm của bà Mogherini được đánh giá là nhằm xác định những điểm chung với chính quyền mới của Mỹ sau một loạt quan điểm gây bất đồng giữa Tổng thống Trump với các nhà lãnh đạo châu Âu.
Ông Trump đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với vấn đề nước Anh rời khỏi EU khi cho rằng đây là sự lựa chọn đúng đắn, đồng thời bày tỏ mong muốn nhanh chóng đạt thỏa thuận thương mại với London.
Về phía Mỹ, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ thăm các thể chế châu Âu sau khi tham dự Hội nghị An ninh Munich, dự kiến diễn ra từ ngày 17 đến 19/2 tại Đức. Chuyến thăm của ông Mike Pence tại châu Âu rất được quan tâm vì thể hiện một tín hiệu chính trị rất quan trọng từ phía chính quyền mới tại Mỹ, giữa bối cảnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang bị suy giảm đáng kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống vào tháng 11/2016.
Khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” chắc chắn sẽ là đường lối chủ đạo trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Theo đó, chính sách thương mại sắp tới của Washington như kéo việc làm về nước Mỹ hay chính sách đồng USD mạnh nhằm thu hút dòng vốn về nước này sẽ có tác động đến EU và buộc khối này phải tiến hành nhưng điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, xét về mặt chiến lược, EU hơn bao giờ hết sẽ là một đồng minh “bổ trợ” của Washington.
Trên thực tế, nội bộ EU đang mất đoàn kết và bị sức ép từ bên trong cũng như bên ngoài. Những yêu cầu đầu tiên đã được đưa ra: từng quốc gia châu Âu là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải tăng mức đóng góp cho khối quân sự này lên đến 2% GDP của mỗi nước.
Điều này nằm ngoài khả năng của ngân sách hiện nay và trên hết, nếu thực hiện cũng làm cho chính sách quốc phòng chung châu Âu trở lên thiếu hiệu quả. Trong lúc chính sách quốc phòng chung chính là cách thức hợp lý hóa các phương tiện, cũng như tăng cường nền tảng công nghiệp và công nghệ của châu Âu.
Ngoài ra, khi chương trình cứu trợ Hy Lạp có nguy cơ đổ vỡ, các quan chức Đức nhấn mạnh sự tham gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là rất cần thiết để chương trình không bị trật đường ray và không để Hy Lạp bị buộc phải rời khỏi Eurozone.

Hiện Mỹ lại là cổ đông lớn nhất của IMF và giữ quyền phủ quyết để ngăn chặn bất kỳ sự tham gia của tổ chức tài chính quốc tế này trong chương trình cứu trợ cho Hy Lạp. Bởi vậy, chắc chắn châu Âu sẽ không dễ dàng để mối quan hệ với Mỹ trở nên xấu hơn.

Nguồn: thowibaonganhang.vn

Tags: MỹEU