Tại buổi họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ tháng 9 vào chiều 1/10, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho hay, kết quả tăng trưởng GDP là tổng hòa của rất nhiều nguyên nhân, từ tác động của tăng trưởng kinh tế các ngành, các cấp, các lĩnh vực, các địa phương, các chủ thể kinh tế…
Vì thế, Bộ KHĐT đã đưa ra các kịch bản tăng trưởng của GDP nước ta trong quý 4 cũng như cả năm 2022, với 2 kịch bản.
Kịch bản thấp là dự kiến trong quý 4, tình hình kinh tế được đánh giá là vẫn còn nhiều khó khăn, khó đoán định, nên Bộ KHĐT đã đưa ra phương án thấp là tăng trưởng đạt 7,5%. Với kịch bản là trong bối cảnh diễn biến như hiện nay, không có đột biến, thuận lợi đối với nền kinh tế từ bên ngoài, Bộ KHĐT dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm khoảng 8%.
Về triển vọng kinh tế 2023, Thứ trưởng Bộ KHĐT nhận định, bối cảnh tình hình năm 2023 vẫn là khó khăn, thách thức, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn và thậm chí còn khó hơn.
Thứ nhất là vấn đề sức ép lạm phát và tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2023 là vô cùng khó khăn. Vấn đề lạm phát toàn cầu, đặc biệt là lạm phát của các nền kinh tế lớn, các đối tác của nước ta khó có thể kết thúc trong 1-2 tháng tới và có thể kéo dài thêm và chắc chắn sẽ sang năm 2023. Do đó, các chính sách kiểm soát lạm phát mang tính cường độ rất cao của các nền kinh tế lớn rất dễ dẫn tới suy thoái kinh tế, nên thời gian phục hồi sẽ lâu hơn. Do vậy, Bộ KHĐT dự báo bối cảnh tình hình kinh tế thế giới 2023 rất khó khăn.
Thứ hai, chúng ta cần hết sức lưu ý là xung đột Nga– Ukraine hiện nay chưa có dấu hiệu kết thúc. Cuộc xung đột này kéo theo một vấn đề rất lo ngại là năng lượng, bởi sẽ quyết định rất nhiều đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có nước ta. Căng thẳng này nếu đẩy lên một mức độ cao hơn nữa có thể sẽ dẫn tới các hệ lụy vô cùng khó cho an ninh năng lượng, an ninh lương thực, nguồn cung hàng hóa.
Và nguy cơ cuối cùng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế năm 2023 là tác động của các vấn đề nguy cơ phi truyền thống như bão lũ, dịch bệnh.
Cũng tại buổi họp báo, về số liệu giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho biết, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ KHĐT đã nêu rõ tỷ lệ giải ngân đạt 46,7% tổng số kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, tuy có thấp hơn so với cùng kỳ năm trước về tỷ lệ %, khi tỷ lệ này năm ngoái là 47,38%, nhưng số tuyệt đối cao hơn năm trước là gần 35 nghìn tỷ đồng.
Theo đại diện lãnh đọa Bộ KHĐT, nguyên nhân chính là do tổng lượng vốn đầu tư công năm 2022 nhiều hơn tổng lượng vốn đầu tư công năm 2021 nên tỷ trọng % có thể thấp hơn một chút, nhưng hệ số tuyệt đối về vốn thì cao hơn, dẫn đến kết quả là vốn đầu tư công giải ngân năm 2022 cao hơn về số tuyệt đối so với năm 2021 là 16%.
Nguồn:Haiquanonline