menu search
Đóng menu
Đóng

Toàn cảnh kinh tế Trung Quốc 2 tháng đầu 2020

08:09 18/03/2020

Vinanet - Kinh tế Trung Quốc 2 tháng đầu năm 2020 suy giảm nghiêm trọng do các lĩnh vực chủ chốt từ sản xuất công nghiệp, bán lẻ và đầu tư tài chính…đều ghi nhận mức giảm sâu hơn so với dự đoán trước đó từ các nhà phân tích.

Gần như 100% khả năng GDP Trung Quốc sẽ suy giảm trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra kể từ năm 1989.

Tháng 1 và tháng 2/2020, sản lượng công nghiệp giảm 13,5% so với 1 năm trước, so với con số dự báo giảm 3% được đưa ra trước đó. Đây là lần đầu tiên trong vòng 3 thập niên, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc sụt giảm.
Trung Quốc thường công bố số liệu của hai tháng đầu năm cùng lúc để tính tới các yếu tố mang tính thời vụ như kỳ nghỉ Tết Nguyết đán hàng năm. Tuy vậy, các doanh nghiệp và nhà máy ở Trung Quốc trong thời gian đầu năm 2020 đã “chứng kiến” thời gian hoạt động trở lại chậm hơn nhiều so với thông thường do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài khi nước này cố gắng hạn chế sự lan rộng của dịch COVID-19. Trong khi đó, các cơ quan chức năng Trung Quốc khuyến cáo người dân nên ở nhà và tránh tụ tập đông người nhằm phòng tránh nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Trước đó, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 6,9% trong tháng 12/2019 và tăng 5,7% trong cả năm 2019.
Doanh số bán lẻ trong 2 tháng đầu năm nay giảm 20,5% trong cùng kỳ, so với dự báo 4%. Đây là kết quả yếu kém nhất trong nhiều thập niên - sau khi tăng 8% trong năm 2019. Trước đó, các nhà phân tích dự kiến doanh số bán lẻ của Trung Quốc sẽ giảm 4%.
Ảnh hưởng của virus corona đối với tiêu dùng thực sự rõ rệt kể từ cuối tháng 1/2020. Gần hư toàn bộ việc bán lẻ trì trệ trong suốt tháng 2/2020. Ngoại trừ những mặt hàng thiết yếu hàng ngày như thực phẩm, còn lại các mặt hàng khác đều không tiêu thụ được. Các nhà hàng ở Trung Quốc hầu hết đóng cửa nên doanh số bán lẻ trong lĩnh vực ăn uống giảm 43,1% trong 2 tháng đầu năm, chỉ riêng bán online giảm nhẹ 3%.
Đầu tư tài sản cố định cũng sụt 24,5%, so với con số dự báo 2%; sau khi tăng 5,4% trong năm 2019.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục 6,2%.
Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 17,2% trong hai tháng đầu năm 2020 và thặng dư thương mại của nước này với Mỹ giảm tới 40%

Sản xuất sa sút, kinh doanh trì trệ khiến cho hàng loạt các mặt hàng của nước này rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung.

Tồn trữ đồng tăng lên mức cao kỷ lục 4 năm, theo đó lượng đồng lưu trữ trên sàn Thượng Hải tăng 10% trong tuần đầu tháng 3/2020, lên 380.065 tấn, cao nhất kể từ 25/3/2016. Tồn trữ nhôm cũng tăng lên cao nhất kể từ 27/12/2019, tồn trữ kẽm tăng 4,6% lên cao nhất kể từ tháng 4/2017.
Hơn 58% các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã được khôi phục từ đầu tháng 3, nhưng phải mất một thời gian nữa tiêu thụ nguyên liệu mới trở lại bình thường.
Tồn trữ thép tăng lên mức cao kỷ lục do nhu cầu suy yếu. Hiệp hội Công nghiệp Gang thép Trung Quốc cho biết, lượng hàng tồn kho tại các công ty thành viên đã đạt mức kỷ lục 21,34 triệu tấn tính đến ngày 20/2, tăng 45% so với một năm trước đó.
Giá của các sản phẩm thép tại Trung Quốc đã giảm gần 10% trong tháng qua. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện cung cấp khoảng trên 50% sản lượng thép toàn cầu và nếu tình trạng dư cung tiếp tục diễn ra, giá xuất khẩu của những sản phẩm này sẽ giảm xuống, tạo ra một viễn cảnh ảm đạm cho ngành công nghiệp sản xuất thép toàn cầu.
Khi virus SARS-CoV-2 mới lan rộng ở Trung Quốc hồi cuối tháng 1/2020, các nhà sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng đã tạm ngừng hoạt động để chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất thép vẫn tiếp tục sản xuất trong giai đoạn này như thường lệ vì lò cao luyện kim được thiết kế để chạy liên tục. Ngoài việc nhu cầu tiêu thụ yếu, hoạt động hậu cần chậm lại cũng là yếu tố gây đau đầu cho các nhà sản xuất thép. Magang thường vận chuyển sản phẩm bằng xe tải, nhưng các ngả đường đã bị chặn ở nhiều khu vực của Trung Quốc, làm gián đoạn giao thông, trong khi hệ thống tàu và đường sắt cũng không thể đảm bảo vận chuyển trơn tru.
Thép thường được vận chuyển từ các kho dự trữ vào sau kỳ nghỉ lễ. Song, điều này đã không xảy ra trong năm nay, bởi phần lớn các công ty xây dựng - vốn tiêu thụ đến 50% sản lượng thép - vẫn chưa hoạt động trở lại tại nhiều địa điểm. Trong khi đó, việc xây dựng tàu điện ngầm ở trung tâm thành phố Quảng Châu vẫn đang đóng băng. Đây là nơi từng có đến hàng chục nhân viên làm việc vào thời điểm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, với tiếng máy xúc liên tục vang lên trong đêm.
Trong khi đó, những lao động thời vụ cũng gặp nhiều khó khăn khi di chuyển lên thành phố để làm việc. Khoảng 300 triệu công nhân nhập cư đã về nhà vào kỳ nghỉ sẽ không thể trở lại đầy đủ để làm việc cho đến hết tháng 3/2020, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết. Ngoài ra, hoạt động xây dựng dường như không thể tiếp tục trong tương lai gần vì chính quyền địa phương đã đưa nhiều công nhân nghi ngờ bị nhiễm bệnh vào cách ly. Hiện nay, công suất của ngành công nghiệp ô tô vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức tối đa.
Thương mại trong 2 tháng đầu năm 2020 cũng chịu tác động lớn từ virus corona. 

Nguồn:VITIC