Tỷ giá USD trong nước
Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.201 VND/USD (tăng 3 đồng so với hôm qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.400 VND/USD (không đổi cả 2 chiều mua bán).
Tỷ giá USD hôm nay tại các ngân hàng tăng giảm nhẹ so với hôm qua, Vietcombank không đổi cả hai chiều mua bán ở mức 23.220 – 23.530 VND/USD, VPbank cũng không đổi cả giá mua và giá bán ở mức 23.230 – 23.530 VND/USD. Ngân hàng Á Châu giữ nguyên giá mua nhưng giảm 10 đồng giá bán so với hôm qua. Ngân hàng Sacombank tăng 7 đồng cả giá mua và giá bán lên mức 23.279 – 23.504 VND/USD.
Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.090 – 23.290 VND/USD, còn khoảng bán ra ở mức 23.260 – 23.763 VND/USD. Trong đó, HSBC có giá mua USD cao nhất và ngân hàng SCB có giá bán USD thấp nhất.
Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 24.250 đồng/USD và bán ra 24.300 đồng/USD, giá mua tăng 80 đồng và giá bán tăng 70 đồng so với hôm qua.
Tỷ giá USD ngày 14/7/2022
ĐVT: đ/USD
USD giảm nhẹ
USD Index hiện ở mức 108,18 theo ghi nhận lúc 6h30 (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD giảm 0,24% ở mức 1,0034. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,24% ở mức 1,1859. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,1% ở mức 137,57.
Theo Investing, đồng USD đã điều chỉnh nhẹ từ mức đỉnh 20 năm khi đồng euro duy trì được mức ngang giá trong bối cảnh dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ ghi nhận lạm phát đang ở mức cao nhất hơn 40 năm nay, điều này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cân nhắc tăng lãi suất thêm nữa.
Giá tiêu dùng hàng năm của Mỹ tăng 9,1% trong tháng 6, mức tăng lớn nhất trong hơn 4 thập kỷ, khiến người Mỹ phải đào sâu hơn để chi trả cho xăng dầu, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và tiền thuê nhà, tăng từ con số 8,6% trong tháng 5. Dữ liệu này được cho là cao một cách đáng kinh ngạc, cao hơn dự kiến và cho thấy lạm phát đang đi sai hướng rất nhanh.
Trong khi đó, đồng euro đã giảm xuống 0,9998 so với đồng bạc xanh sau công bố dữ liệu, phá vỡ ngưỡng ngang giá lần đầu tiên kể từ tháng 12/2002, trước khi bật trở lại mức quanh 1,0061. Đồng euro bị ảnh hưởng nặng nề bởi lo ngại về khả năng suy giảm nguồn cung năng lượng nếu Nga tiếp tục hạn chế xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, làm suy yếu triển vọng tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung và có khả năng khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu phải đẩy nhanh việc tăng lãi suất trong mùa hè này.
Các nhà phân tích tại ING đang đặt ra câu hỏi liệu euro có thể tìm thấy một lực hỗ trợ nào để phục hồi hay sẽ phá vỡ dưới mức ngang giá. Nếu nhìn vào bức tranh kinh tế toàn cầu, khả năng thứ hai có xác suất cao hơn. Kể cả khi có nhịp hồi giá thì cũng phải đợi tới mùa thu còn trong thời gian ngắn sẽ mất giá tương đối.
Ở một diễn biến khác, tỷ giá GBP/USD đã tăng trở lại nhờ thông tin nền kinh tế Anh mở rộng bất ngờ trong tháng 5 khi GDP tăng 0,5% trong tháng với dịch vụ y tế là động lực chính của tăng trưởng. Trong khi đó, 8 đảng viên Đảng Bảo thủ đang đấu tranh để kế nhiệm Boris Johnson. ING cho rằng diễn biến chính trị này chưa tác động nhiều đến đồng bảng Anh mà ràng buộc chính vẫn là biến động của đồng USD và các yếu tố bên ngoài.
USD/CAD giảm nhẹ trước cuộc họp tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Canada vào hôm qua. Cơ quan này đã quyết định tăng 75 điểm cơ bản lãi suất lên 2,25% từ 1,5% khi phải cố gắng giải quyết lạm phát.
Nguồn:Vinanet/VITIC