menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu cần hướng đến người nhiều tiền

16:24 28/07/2017

Vinanet - Ông Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về những vấn đề liên quan đến XNK của Việt Nam.
XK của Việt Nam được đánh giá là tăng nhanh nhưng không bền vững. Theo ông, yếu tố nào thể hiển sự không bền vững của XK thời gian qua?
XK thời gian qua cũng đạt được một số kết quả nhất định như tỷ trọng hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao tăng lên (ví dụ điện thoại, thiết bị vi tính), dệt may có tỷ lệ nhỏ thiết kế, hàng có chất lượng cao, đặc biệt là một số loại trái cây của Việt Nam đã vào những thị trường khó tính Australia, Mỹ, Nhật Bản, EU. 
Song căn bệnh cố hữu của XK lâu nay vẫn chưa được giải quyết căn bản, đó là XK thiên về lượng, từ gạo, dệt may, thủy sản, cao su, cà phê… Thương hiệu của Việt Nam chưa nổi bật, gạo vẫn chỉ XK loại gao vô danh 25% tấm, cao su chỉ là XK nguyên liệu thô, cà phê một số sản phẩm của các hãng đã làm thương hiệu nhưng tỷ lệ này còn ít quá.
Không chỉ vậy, XK vẫn bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và yếu tố đầu vào từ thị trường nước ngoài từ các ngành công nghiệp như dệt may, đồ gỗ cho đến nông sản (điều). Nhiều mặt hàng của chúng ta bị phụ thuộc riêng vào thị trường Trung Quốc. 
Sự cạnh tranh hàng hóa ngày càng gay gắt, năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam không còn phụ thuộc vào những lợi thế. Vậy hàng hóa XK của Việt Nam trong thời gian tới phải cạnh tranh bằng cách nào, thưa ông?
Chắc chắn rằng, lợi thế về tài nguyên, lao động giá rẻ không còn nữa. Nhiều chuyên gia tại nhiều hội thảo nói về kỷ nguyên 4.0 (cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0- PV) buộc chúng ta phải có thay đổi cơ bản trong việc tái cấu trúc nền kinh tế nói chung, hoạt động XK nói riêng. Ví dụ, xu thế thuế NK ô tô về 0% theo cam kết hội nhập thì nguy cơ của ô tô nguyên chiếc từ một số thị trường sẽ tràn vào Việt Nam. Chúng ta bây giờ mới khởi động tập trung cho công nghiệp ô tô không phải lắp ráp, đồng thời có quan hệ hợp tác với một số quốc gia như Nga, Ucraine. Đó cũng là hướng đi nhưng nếu đi theo kiểu lắp ráp thì sẽ mãi đi sau các nước. Thiên hạ đi đường dài mà mình túc tắc thì không giải quyết được. Ô tô Việt Nam phải tìm hướng mới, hoặc là làm ô tô đảm bảo giá rẻ để người thu nhập thấp cũng có được, hoặc là phải đi vào loại ô tô nhiên liệu có thể tái tạo chứ không chỉ chạy bằng xăng nữa. Chúng ta phải đi vào những cái “thiên hạ” chưa đi, hoặc đi ít thì may ra mới sống được.
 XK của Việt Nam sẽ trông vào điều gì khi lượng XK của Việt Nam đã đến ngưỡng, khó có thể tăng được? 
Tất nhiên khi không thể thiên về lượng được nữa thì chúng ta phải đi vào chất, tức là đưa hàng hóa vào những thị trường khó tính để phục vụ những người nhiều tiền, từ đó mới có thể tăng giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam. Đó là cách làm không thể khác được và mới có thể giúp cho XK của Việt Nam đi theo con đường bền vững.
 Muốn phục vụ những thị trường khó tính thì chúng ta phải đầu tư cho nguyên liệu đầu vào, đảm bảo chất lượng hàng hóa… Song điều này dường như ở ngoài tầm với của chúng ta?
Tôi nghĩ rằng vấn đề nằm ở cách đi. Lâu nay, phát triển công nghiệp hỗ trợ chúng ta đã nói nhiều nhưng thực tế triển khai không nhiều và đi theo hướng giảm tỷ lệ NK yếu tố đầu vào một cách trực tiếp về số lượng. Nhưng có điều, chúng ta đang ở gần Trung Quốc, nếu Trung Quốc sản xuất mặt hàng đó tốt rồi, giá cả cũng cạnh tranh và cung cấp ổn định cho việc sản xuất hàng hóa của Việt Nam thì chúng ta nên tận dụng lợi thế gần thị trường, tránh đi vào phát triển công nghiệp hỗ trợ những mặt hàng đó. Chúng ta cần lựa chọn mặt hàng khác, có lợi thế mà Trung Quốc chưa làm. 
Một trong những đòn bẩy cho tăng trưởng XK thời gian tới đó là các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Thưa ông, những FTA này sẽ tác động như thế nào đến kim ngạch XK của Việt Nam? 
Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều FTA với những thị trường nhiều tiềm năng như Nhật Bản, Liên minh kinh tế Á- Âu, EU. Nếu tận dụng được cơ hội này thì rất tốt. Có điều, DN ít chú ý, ít được trang bị kiến thức, điều kiện cần thiết để tận dụng cơ hội này. 
Ví dụ dễ thấy nhất là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, nếu chúng ta không tận dụng được thì hàng Thái Lan, Indonesia, Malaysia sẽ tràn ngập ở Việt Nam. Nhà buôn Thái Lan đã có những bước đi cơ bản để cắm sâu ở thị trường Việt Nam. Trong khi chúng ta chưa có bước đi cơ bản để coi thị trường ASEAN là thị trường chung thống nhất, không gian sản xuất chung nhằm tận dụng cơ hội này. 
Nói cách khác, đây là cơ hội tốt cho Việt Nam tiến sâu hơn vào các thị trường nhưng đó cũng là thách thức không nhỏ đòi hỏi phải có sự quan tâm nhiều hơn nữa từ DN.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Diệp Anh/baohaiquan.vn