Theo báo cáo hàng quý mới nhất của IEA về thị trường khí đốt, nhu cầu khí đốt toàn cầu có xu hướng tăng trưởng bền vững từ năm 2024 và tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2025, tăng trưởng nhu cầu năm 2025 được dự báo chỉ đạt khoảng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức 2,8% của năm 2024. Mức tăng trưởng chủ yếu ở châu Âu và Bắc Mỹ do thời tiết khắc nghiệt khiến nhu cầu sử dụng khí đốt cho sinh hoạt và phát điện tăng cao, trong khi mức tăng trưởng tiêu thụ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - nơi nhiều thị trường có xu hướng nhạy cảm với giá cao hơn - sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022.
Thị trường khí đốt trong nửa đầu năm 2025 vẫn chịu nhiều sức ép, do nguồn cung từ Nga sang EU qua đường ống tiếp tục giảm, sản lượng LNG tăng chậm, trong khi châu Âu cần tích trữ khí nhiều hơn. Những yếu tố này đã đẩy giá khí đốt lên cao tại các thị trường nhập khẩu lớn và ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu ở châu Á. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị tiếp tục gây biến động giá. IEA cho rằng xung đột giữa Israel và Iran là yếu tố địa chính trị dễ dàng làm thị trường khí đốt toàn cầu trở nên mất cân bằng.
Trong nửa đầu năm 2025, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên toàn cầu tại châu Âu đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu được hỗ trợ bởi ngành điện trong bối cảnh sản lượng điện từ gió và thủy điện giảm. Mặc dù điều này không nên được hiểu là một xu hướng mang tính cấu trúc, nhưng những diễn biến như vậy làm nổi bật vai trò quan trọng của các nhà máy điện chạy bằng khí đốt trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện tại các thị trường có tỷ trọng năng lượng tái tạo biến đổi cao hơn. Ngược lại, nhu cầu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc giảm ước tính 1% so với cùng kỳ năm trước, với lượng nhập khẩu LNG của nước này giảm hơn 20%. Tại Bắc Mỹ, nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng ước tính 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tập trung vào quý đầu tiên, khi thời tiết lạnh hơn làm tăng nhu cầu sử dụng khí đốt trong các tòa nhà.
IEA dự báo nhu cầu khí đốt toàn cầu sẽ tăng tốc trở lại vào năm 2026, với mức tăng khoảng 2%. Sự phục hồi này nhờ vào việc sản lượng LNG tăng mạnh, giúp cải thiện tình hình cung cầu và thúc đẩy nhu cầu tại châu Á. Dự kiến trong năm 2026, nguồn cung LNG sẽ tăng khoảng 7% (tương đương 40 tỷ m³) - mức cao nhất kể từ năm 2019, nhờ các dự án mới đi vào hoạt động tại Mỹ, Canada và Qatar.
Theo IEA, lĩnh vực công nghiệp và năng lượng sẽ đóng góp khoảng một nửa mức tăng nhu cầu khí đốt toàn cầu. Riêng lĩnh vực phát điện chiếm khoảng 30%, còn khu vực dân dụng và thương mại dự kiến tăng khoảng 1%, trong điều kiện thời tiết bình thường.
Tại châu Á, nhờ nhu cầu năng lượng tăng, giá khí hạ nhiệt và kinh tế vĩ mô cải thiện, nhu cầu khí đốt dự kiến tăng hơn 4% trong năm 2026 - chiếm khoảng một nửa mức tăng toàn cầu. Vì vậy, nhập khẩu LNG của khu vực này cũng được dự báo sẽ tăng 10% trong năm 2026, sau khi giảm trong năm 2025.
Tại khu vực Á - Âu, nhu cầu khí đốt được dự báo tăng 2%; trong khi châu Phi và Trung Đông tăng khoảng 3,5%. Ở Bắc Mỹ, nhu cầu chỉ tăng dưới 1%, chủ yếu nhờ lĩnh vực phát điện.
Ở Trung và Nam Mỹ, việc sản lượng năng lượng tái tạo tăng mạnh có thể khiến nhu cầu khí đốt giảm nhẹ. Còn tại châu Âu, dự kiến nhu cầu khí đốt sẽ giảm khoảng 2%, do năng lượng tái tạo tiếp tục tăng.
Nguồn:Vinanet/VITIC/iea