menu search
Đóng menu
Đóng

Chính phủ đề xuất phát hành 3 tỉ đô la trái phiếu quốc tế

15:34 12/10/2015

Sau khi Chính phủ ra Nghị quyết thống nhất phương án phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) ra thị trường quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án phát hành đến 3 tỉ đô la Mỹ kể từ năm 2017 nhằm tái cơ cấu lại nợ trong nước giai đoạn 2015-2016.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay 12-10, ông Dũng đã được Chính phủ ủy quyền trình ra Quốc hội đề xuất phê duyệt hàng loạt chủ trương nhằm tái cơ cấu các khoản nợ của Chính phủ.

Hai đề xuất chính là: đề nghị cho phép đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành TPCP và cho phép phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế để tái cơ cấu danh mục nợ của Chính phủ.

Về việc phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế,  Việt Nam đã thành công với việc phát hành 1 tỉ đô la bằng ngoại tệ thông qua Vietcombank năm 2014 (lãi suất 4,8%/năm) nhằm tái cơ cấu các khoản nợ đã vay trước đó với lãi suất cao. Sau đó, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9 và nhiều lần trước đó, Chính phủ đã đề cập đển phương án tiếp tục phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế.

Chính phủ đề xuất sẽ phát hành khoảng 3 tỉ đô la Mỹ để tái cơ cấu lại các khoản nợ TPCP trong nước đã phát hành trong giai đoạn 2015-2016. Từ năm 2017, lượng trái phiếu này sẽ được bán ra để bù đắp bội chi ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) sửa đổi, tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ theo quy định tại Luật quản lý nợ công và bù đắp thiếu hụt nguồn vốn nước ngoài.

Bộ Tài chính khẳng định rằng việc vay mới để đảo nợ vẫn đảm bảo duy trì tỉ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ không quá 50% tổng nợ Chính phủ theo chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030.

Dự kiến các đợt phát hành sẽ có kỳ hạn dài từ 10 đến 30 năm. Lãi suất phụ thuộc vào điều kiện thị trường vốn quốc tế tại thời điểm phát hành.

Hiện nay, thị trường vốn và TPCP trong nước quy mô nhỏ, thanh khoản thấp, nhất là trong vòng 1 năm trở lại đây gặp nhiều khó khăn do các nghị quyết 78/2014 của Quốc hội và Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước không cho phép phát hành TPCP kỳ hạn ngắn và tỉ lệ sở hữu trái phiếu của các ngân hàng thương mại, ngân hàng nước ngoài (những người mua chính) bị khống chế. Tình hình như vậy nhưng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách trong giai đoạn tới tương đối cao nên việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế để giảm áp lực vay trong nước là cần thiết.

Tuy nhiên, phải đến năm 2017, Luật NSNN 2015 (sửa đổi) mới có hiệu lực, cho phép bội chi NSNN được bù đắp từ nguồn trong và ngoài nước thì mới thực hiện được. Khi đó, vay nước ngoài bao gồm cả phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế để bù đắp bội chi. Còn quy định hiện vẫn đang còn hiệu lực của Luật NSNN chỉ cho phép “bội chi NSNN được bù đắp bằng nguồn vay trong và ngoài nước” mà không đề cập đến việc phát hành TPCP ra thị trường vốn nước ngoài.

Cũng theo Luật quản lý nợ công, hiện không cho phép vay ngoại tệ để cơ cấu lại các khoản vay bằng đồng Việt Nam. Bộ Tài chính cho rằng đây là bất cập sẽ đề xuất sửa đổi. Tuy nhiên, riêng giai đoạn 2015-2016, nguồn vay để bù đắp bội chi còn hạn chế và chỉ tập trung ở thị trường vay trong nước, nhiều loại TPCP đến kỳ trả nợ lớn nên việc vay bằng ngoại tệ từ năm 2017 để tái cơ cấu các khoản vay trong nước vẫn phải chờ đợi.

Theo Lan Nhi
TBKTSG

Nguồn:TBKTSG