Với diễn biến của thị trường ngoại tệ biến động trong thời gian gần đây, cùng sự ấm dần lên của các kênh đầu tư đã khiến dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chuyển dịch khỏi ngân hàng. Trong đó, bất động sản được cho là đang dần hút dòng tiền tiết kiệm, một phần do lãi suất tiền gửi VND không còn hấp dẫn như trước.
Vì thế, gần đây, các nhà băng đã phải tăng nhẹ lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn ngắn, với mức tăng 0,2 - 0,3%/năm cho kỳ hạn 3 - 6 tháng. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang được các ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 5 - 6%/năm cho kỳ hạn 6 - 9 tháng và 7 - 7,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tuy nhiên, tại một số ngân hàng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 15 - 36 tháng lại có xu hướng giảm so với trước, về ngang bằng với lãi suất của kỳ hạn 6 - 9 tháng.
Thực tế, tổng vốn huy động của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đã có xu hướng chững lại, tăng chậm hơn nhiều so với dư nợ cho vay. Các ngân hàng cũng đã có động thái điều chỉnh nhẹ lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn và cả với kỳ hạn dài để giữ chân tiền gửi tiết kiệm, song mức tăng không đáng kể, nên khó đáp ứng được kỳ vọng của người gửi tiền.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, lãi suất tiền gửi được các ngân hàng tăng nhẹ gần đây chỉ là một biến động nhỏ của thị trường khi tỷ giá VND/USD tăng lên. Mặt khác, nhu cầu vay đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt là trong các tháng cuối năm 2015, nên lãi suất tiết kiệm tăng nhẹ cũng là dễ hiểu để đảm bảo cung - cầu vốn cho thị trường. Tuy nhiên, ngân hàng nên duy trì lãi suất tiết kiệm VND ở mức 4 - 7%/năm, bảo đảm lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6 - 10%/năm để không tăng thêm chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, kỳ vọng lãi suất tiết kiệm tăng cao trong bối cảnh hiện nay rất khó. Mặc dù lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng lên do nhu cầu gom USD của doanh nghiệp và các ngân hàng đề nghị tăng lãi suất VND trong những ngày giữa tháng 8/2015, song lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định, sẽ không tăng tỷ giá cũng như lãi suất, đồng thời cam kết không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến hết năm 2015. NHNN khẳng định rằng, dù Fed có tăng lãi suất thời gian tới thì cũng không ảnh hưởng đến tỷ giá và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường khi cần thiết.
Theo đánh giá của một chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ, lạm phát kỳ vọng năm nay được kiểm soát ở mức thấp, nên mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện nay vẫn đảm bảo lãi thực dương cho người gửi tiền, nhất là với các kỳ hạn tiền gửi 12 -15 tháng.
TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, tăng lãi suất đầu vào thời gian gần đây không đáng kể, bởi chỉ ở một số ngân hàng quy mô nhỏ, có thị phần tiết kiệm chưa rộng, nhằm cân đối lại nguồn. Trong khi đó, thanh khoản của các ngân hàng vẫn khá dồi dào. Mặt khác, tăng trưởng dư nợ tín dụng trong bối cảnh này không dễ, nên các ngân hàng khó có thể điều chỉnh tăng mặt bằng lãi suất đầu ra.
Ngược lại, TS. Lịch cho rằng, muốn thu hút được khách hàng tốt vay vốn, ngân hàng cần phải xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay, nên giảm thêm 1 - 1,5% đối với vốn vay trung và dài hạn, bởi lạm phát hiện ở mức thấp.
Theo Thùy Vinh
Đầu tư
Nguồn:Đầu tư