Muốn vay, trước hết phải muốn trả nợ
Theo con số của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, hiện nay có khoảng 180.000 DN SME đang có quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng, doanh số cho vay đạt gần 1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 4% so với cuối năm 2014. Theo TS. Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng đã nhận thức được tầm quan trọng của đối tượng khách hàng là DN SME. Nhiều ngân hàng đã xây dựng chính sách riêng, tung sản phẩm dịch vụ riêng cho đối tượng khách hàng này...
Tuy vậy, theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tổng tín dụng của cả nền kinh tế ước khoảng 4 triệu tỷ đồng. DN SME chiếm trên 90% tổng số DN của cả nước nhưng lại chiếm chưa đến 1/4 tổng vốn tín dụng cả nước, điều này cho thấy, khả năng tiếp cận vốn của DN SME vẫn còn khó khăn. Kết quả điều tra của nhiều chương trình cũng cho thấy, chỉ 30% DN vừa và nhỏ tiếp cận được vốn vay ngân hàng.
Về vấn đề này, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Đại học ngân hàng TP.HCM) nêu ra một thực tế không giải thích được là khi tiếp cận hồ sơ DN vừa và nhỏ, ngân hàng đã lập tức không muốn cho vay vì thiếu niềm tin.
"Muốn vay được vốn, DN SME trước hết phải chứng tỏ mình là người muốn trả nợ đã. Yếu tố anh có muốn trả nợ không là yếu tố đầu tiên quyết địh cho vay, kế đến mới là mục đích vay. Bản chất cho vay là người cho vay chung vốn với người vay để cùng đánh một phương án kinh doanh nào đó. Tức ngân hàng phải nhìn thấy phương án thắng mới đánh, mới cho vay".
Từng nhiều năm công tác trong lĩnh vực ngân hàng, TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chính ngân hàng giải thích, phần lớn DN SME đang rất yếu về năng lực tín nhiệm tín dụng và sức cạnh tranh. Chính vì vậy, nợ xấu của khối DN này không cao song ngân hàng lại chưa dám tin tưởng trao vốn.
"Thực tế, nhiều DN SME chưa tạo dựng được sự tin tưởng cho đối tác ngân hàng về tình hình tài chính và khả năng tạo dựng dòng tiền của mình. Nhiều DN không xây dựng được phương án vay vốn khả thi, tiềm lực tài chính chưa cao và đặc biệt là sự thiếu hiểu biết lẫn nhau giữa DN vay vốn với ngân hàng", TS. Lai nói.
Theo chuyên gia này, nhiều DN SME khó tiếp cận ốn vì thiếu năng lực tín nhiệm trả nợ, cụ thể là minh bạch thôgn tin tài chính thấp, phương án vay vốn mù mờ, không chứng minh được dòng tiền, nhiều DN thay đổi nhân sự cấp cao như thay áo. Nhân sự cấp cao khi ẩn, khi hiện, nhiều người có khá nhiều giấy tờ tùy thân khác nhau...
Xếp hạng tín nhiệm để tạo lòng tin cho ngân hàng
Tại Hội thảo Tín nhiệm tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng tổ chức sáng ngày 24/9, TS. Nguyễn Hữu Đương, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), thuộc NHNN cho hay, xếp hạng tín nhiệm tín dụng là giải pháp giúp DN dễ tiếp cận vốn ngân hàng hơn, đồng thời giúp ngân hàng tiết kiệm thời gian phân loại khách hàng, có thêm công cụ phòng ngừa rủi ro bên cạnh kênh xếp hạng tín dụng nội bộ...
Được biết, đến nay, CIC đã có cơ sở dữ liệu về 15 triệu khách hàng vay đang dư nợ, trong đó có 110.000 doanh nghiệp vay/năm và 3 triệu hồ sơ tài sản đảm bảo. Ngoài ra, CIC cũng lưu giữ 11.000n hồ sơ tín dụng của DN FDI, 70.0000 báo cáo tài chính của DN hàng năm. Những năm qua, số lượng báo cáo xếp hạng tín dụng mà CIC cung cấp cho các tổ chức tín dụng liên tục tăng mạnh. Cụ thể, năm 2009, số báo cáo tín dụng là 7.500 thì đến năm 2014 đã tăng lên 33.000 báo cáo.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động xếp hạng tín nhiệm tín dụng ở nước ta chưa thực sự phát triển do các DN còn kém mặn mà và chưa có các quy định buộc các DN và các cơ quan liên quan cung cấp thông tin cho CIC, tránh cảnh CIC phải "đi xin" thông tin như hiện nay.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Đại Lai cũng đề nghị, NHNN cần có những văn bản yêu cầu bổ sung yêu cầu khách hàng vay phải khai vào hồ sơ những thông tin căn bản, bắt buộc và mang tính pháp lý minh bạch như báo cáo tài chính có kiểm toán, các khoản phải thu, phải trả, tình hìnht ài chính hiện tại, thông tin quan hệ tín dụng, thông tin bảo đảm tiền vay... Nhà nước cũng cần kiểm tra, cấp phép cho kênh kiểm toán nội bộ và nhất là kênh kiểm toán độc lập. Về lâu dài, phải xác lập cơ chế số hóa đối với mọi DN SME...
Theo Hà Tâm
Đầu tư
Nguồn:Đầu tư