Quyết liệt giảm nợ xấu
Mới đây trả lời phỏng vấn báo giới, đại biểu Quốc hội chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân khẳng định “tiến trình xử lý nợ xấu đang rất tốt”. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ tin tưởng nợ xấu sẽ giảm dần và tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% trong năm nay.
Trước đó, Thống đốc NHNN cũng khẳng định: “Điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế là nợ xấu sẽ được giải quyết triệt để từ nay đến cuối năm”. Người đứng đầu NHNN cũng cam kết tiếp tục tăng cường chỉ đạo và triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu với việc ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 27-1-2015. Theo đó, phải bảo đảm đến ngày 30-6-2015 xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015, trong đó chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt ít nhất 75% kế hoạch đề ra.
Thời gian qua một số ngân hàng đã bán cho VAMC khối lượng nợ xấu khá lớn. Chẳng hạn, năm 2014, tổng số nợ xấu SCB đã bán cho VAMC là 11.409 tỉ đồng, Sacombank bán 4.984 tỉ đồng, LienVietPostBank 1.232 tỉ đồng, ACB 1.043 tỉ đồng, BIDV 9.600 tỉ đồng (tính từ đầu năm).
Tính từ khi ra đời đến hết tháng 5-2015, VAMC đã mua 170.000 tỉ đồng nợ xấu trên sổ sách từ các tổ chức tín dụng. Khoảng 90% lượng nợ này có tài sản thế chấp là bất động sản.
Trong thời gian gần đây nợ xấu đang có dấu hiệu tăng trở lại. Theo báo cáo của NHNN, nợ xấu cuối tháng 2-2015 vào khoảng 3,59%, cao hơn mức 3,25% hồi cuối năm 2014. Nợ xấu tại địa bàn có dư nợ tín dụng chiếm gần một phần ba cả nước là TPHCM có tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 3 là 5,53%.
Báo cáo tài chính cho thấy tỷ lệ nợ xấu của hầu hết ngân hàng đều tăng khá mạnh trong quí 1. Đến cuối quí, nợ xấu của BIDV là 2,3% cao hơn mức 2,03% đầu năm, nợ xấu của VietinBank là 1,8%, cao hơn mức 1,12% đầu năm. Đặc biệt, ngân hàng được đánh giá cao như Vietcombank lại có tỷ lệ nợ xấu lên tới 2,67%, cao nhất trong các ngân hàng niêm yết.
Nhiều nhận định cho rằng nợ xấu sẽ còn phình to hơn trong quí 2-2015 khi Quyết định 780 về cơ cấu nợ đã hết hiệu lực từ ngày 1-4-2015 làm cho nợ xấu sẽ được phân loại lại theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN. Lúc đó, sẽ có nhiều khoản nợ từ nhóm 1, nhóm 2 được chuyển sang nợ xấu (nhóm 3, 4 hoặc 5).
Để tăng cường xử lý nợ xấu, ngoài việc quyết liệt đốc thúc các tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC hoặc tích cực trong việc tự xử lý nợ xấu thì mới đây Chính phủ còn ban hành Nghị định số 34/2015 để gỡ vướng, thêm quyền và bổ sung “lực” mới cho VAMC nhằm xử lý nợ xấu nhanh hơn.
Nợ xấu chỉ giảm ảo
Thông thường ngân hàng có một số cách xử lý nợ xấu căn bản như sau. Thứ nhất, phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi một phần nợ vay. Thứ hai, bán nợ lại cho một tổ chức khác. Thứ ba, vốn hóa các khoản nợ, biến thành vốn góp tại doanh nghiệp. Thứ tư, xóa nợ cho khách hàng và đưa ra theo dõi ngoại bảng cân đối kế toán. Thứ năm, cấu trúc lại thời hạn trả nợ.
Trong năm cách xử lý cơ bản nêu trên, cách thứ nhất là cách xử lý nợ xấu triệt để nhất. Nếu tài sản đảm bảo là cổ phiếu của những doanh nghiệp, dự án “chết” thì việc bán tài sản đảm bảo giúp phân bổ lại nguồn lực trong nền kinh tế từ chỗ kém hiệu quả sang nơi có hiệu quả hơn. Ngoài ra, ngân hàng có thể thiệt hại nhưng nguồn vốn lại được tái sử dụng cho vay, giải tỏa điểm nghẽn của nền kinh tế.
Xử lý nợ xấu bằng cách bán lại nợ là một trong những cách hiệu quả để xử lý nợ xấu nhưng nó đòi hỏi phải có một thị trường tài chính phát triển. Về bản chất, nợ xấu vẫn chưa được xử lý mà chuyển sang những “người xử lý nợ xấu chuyên nghiệp” để họ tiếp tục quá trình này. Lúc này các nguồn lực cũng được phân phối lại một cách hiệu quả hơn.
Việc VAMC mua lại nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt chính là cách xử lý này. Tuy nhiên, do VAMC mua nợ không bằng “tiền thật” nên tổ chức tín dụng không có vốn thực để tái cho vay. Nợ xấu chỉ tạm thời biến mất trên bảng cân đối kế toán nhưng tổ chức tín dụng bán nợ vẫn phải theo dõi và tự xử lý nợ xấu đó và hàng năm vẫn phải trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu đã bán đi. Như vậy, thực tế nợ xấu này chỉ được xử lý về mặt “kỹ thuật” chứ không phải xử lý thực sự.
Việc vốn hóa để xử lý nợ xấu trong thời gian qua cũng được áp dụng khá nhiều. Một số doanh nghiệp niêm yết như Đầu tư Công nghiệp Tân Tạo, Sài Gòn Kinh Bắc đã chuyển hàng ngàn tỉ đồng nợ thành vốn. Việc chuyển nợ thành vốn giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ và lành mạnh hóa báo cáo tài chính. Tuy nhiên, nó chỉ có hiệu quả thực sự khi doanh nghiệp có phương án tái cấu trúc để hồi sinh, nếu không chỉ là tạm thời “kéo dài sự sống” cho doanh nghiệp mà thôi. Trong trường hợp này việc vốn hóa nợ là phương án xử lý nợ xấu tồi.
Cách thứ tư là xóa nợ cho khách hàng - đây cũng là cách thường được áp dụng. Tuy nhiên, chỉ có những ngân hàng đã trích lập dự phòng nợ xấu một cách đầy đủ thì mới có thể áp dụng cách này vì nó có thể dẫn đến việc thua lỗ.
Cuối cùng, cách xử lý nợ xấu bằng gia hạn, đảo nợ được áp dụng khá rộng rãi trong thời giai qua và đã làm giảm nợ xấu rất nhiều. Quyết định 780 cho phép các ngân hàng tái cấu trúc nợ để giảm bớt nợ xấu. Tuy nhiên, đây chủ yếu là một biện pháp “kỹ thuật”, nợ xấu đó vẫn nằm nguyên nếu khách hàng sau khi được gia hạn, tái cấu trúc không cải thiện được hoạt động kinh doanh và không thể tự trả được nợ sau đó.
Theo kế hoạch, năm nay VAMC sẽ mua khoảng 80.000 tỉ đồng nợ xấu, lũy kế đến cuối năm nay là 200.000 tỉ đồng để giảm tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng về mức 3%. Được biết trong năm tháng đầu năm VAMC đã thu hồi hơn 3.000 tỉ đồng nợ xấu cho các tổ chức tín dụng qua việc xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ.
Dự kiến trong năm 2015, VAMC sẽ thu hồi được khoảng 10.000 tỉ đồng nợ xấu được mua từ trái phiếu đặc biệt. Đây là con số quá nhỏ so với tổng nợ xấu mà VAMC đã mua. Đối với việc xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường thì ít có hy vọng là VAMC sẽ làm được dù đã được tăng vốn điều lệ và được tiếp thêm “lực” từ Nghị định 34.
Như vậy, thực chất số nợ mà VAMC mua phần lớn vẫn còn là nợ xấu. Do vậy, dù hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu giảm về dưới 3% thì đây cũng chỉ là con số ảo. Cách xử lý nợ xấu theo kiểu “kỹ thuật” này có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế do các nguồn lực bị “biến dạng” và không được phân bổ một cách hiệu quả nhất.
Nguồn:TBKTSG