menu search
Đóng menu
Đóng

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Đi tới cùng tái cơ cấu ngân hàng”

14:15 07/08/2015

Năm 2010-2011 nhiều ngân hàng yếu kém đứng trước nguy cơ suy sụp. Trên cái nền ấy, chúng ta phải giữ lấy cái gì để nó không yếu hơn và từ đó tìm ra cơ sở gây dựng lại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình nói với phóng viên TBKTSG.
Trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn kéo dài hai giờ đồng hồ dưới đây về một trong những đề tài “nóng” được dư luận xã hội quan tâm là tái cấu trúc các tổ chức tín dụng, tại phòng làm việc của ông ở NHNN, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh ông sẽ nói thẳng, nói thật về một số ngân hàng với nhiều chi tiết không phải chỉ để xã hội có một cái nhìn công tâm, mà còn thấy rằng cải tổ hệ thống ngân hàng như huyết mạch của nền kinh tế là một con đường chông gai nhưng NHNN sẽ đi tới cùng!

Ông nói: Năm 2010-2011 nhiều ngân hàng yếu kém đứng trước nguy cơ suy sụp. Trên cái nền ấy, chúng ta phải giữ lấy cái gì để nó không yếu hơn và từ đó tìm ra cơ sở gây dựng lại. Mục tiêu đặt ra bấy giờ là kiên quyết không để hệ thống ngân hàng sụp đổ ngoài tầm kiểm soát. Muốn thế phải nâng cao thanh khoản của các ngân hàng, giảm lãi suất, xử lý nợ xấu. Cả ba việc trên phải giải quyết đồng thời với ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế  lạm phát.

TBKTSG: Dư luận đang ngắm nhìn bức tranh ngân hàng hiện nay hơn là hoài niệm về những sắc màu của nó trong quá khứ, thưa ông?

- Màu sắc chủ đạo của bức tranh là thế và lực của Nhà nước, mà cụ thể là của NHNN, đã khác. NHNN có thể mua lại một số ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng.

TBKTSG: Mua lại 0 đồng theo định nghĩa ngắn gọn nhất của ông là gì?

- Bản chất là ngân hàng bị mua lại đã phá sản. Ở Việt Nam, nếu ngân hàng phá sản, ai là người thiệt nhất? Người gửi tiền bao gồm dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, là người thiệt nhất. Bộ Chính trị phê duyệt Đề án 254 và Chính phủ chỉ đạo thực hiện không để ngân hàng phá sản trong giai đoạn này. Trước đây xử lý theo nguyên tắc tự nguyện, cụ thể là để các lực lượng thị trường (tư nhân) gồng gánh ngân hàng. Nay Nhà nước đã có lực để làm điều đó, không cần nhờ đến lực lượng thị trường một khi tư nhân không đủ sức.

TBKTSG: Nợ xấu của ba ngân hàng bị mua 0 đồng giờ ở đâu, thưa ông?

- Nợ xấu có những khoản là nợ xấu thật, nhưng cũng có những khoản mà tài sản thế chấp cho khoản vay không bán được. Đồng thời có những khoản mà tài sản đảm bảo do chúng ta tính toán thấp hơn giá thị trường vì chưa đủ hồ sơ giấy tờ. Thí dụ có mảnh đất đây, còn thiếu một góc chưa đền bù (đã đền bù ba phần tư), nên chưa được cấp sổ đỏ. Theo quy định tài sản chưa có sổ đỏ, thì chưa thể làm tài sản giao dịch đảm bảo. Thanh tra giám sát NHNN sẽ loại ngay thứ tài sản trên ra, coi như khoản nợ không có tài sản đảm bảo hoặc giá trị tài sản đảm bảo bằng 0. Khoản vay thành nợ xấu.

Thế nhưng trên thực tế mảnh đất vẫn có giá trị nhất định. Người vay nói tôi không có cả miếng đất, nhưng tôi có ba phần tư. Hiện nay đánh giá nợ xấu giữa thanh tra giám sát ngân hàng và kiểm toán đang vênh ở chỗ đó.

TBKTSG: Xin được bắt đầu bằng ngân hàng đầu tiên được mua 0 đồng, Ngân hàng Xây dựng.

- Trên sổ sách tổng nghĩa vụ vay của nhóm khách hàng liên quan đến ông Phạm Công Danh như công bố của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an là hơn 18.000 tỉ đồng. Riêng tiền mặt còn giữ tại ngân hàng, số tiền đã nộp vào để tăng vốn điều lệ nhưng NHNN chưa cấp phép cho tăng, là 4.500 tỉ đồng. Tài sản thế chấp của người vay ở Đà Nẵng, TPHCM và một số địa bàn khác do thanh tra giám sát ngân hàng và kiểm toán định giá chênh lệch hơn các tổ chức định giá độc lập trên thị trường. Một số tài sản thiếu giấy tờ nên giá trị bị định 0 đồng. Giữa quy định định giá của khung pháp lý hiện hành và giá trị thị trường còn những bất cập.

TBKTSG: Ý của ông là tiền vay tạo ra những tài sản đảm bảo và tài sản đó hiện đang nằm ở ngân hàng?

- Có thể hiểu như vậy. Nhìn lại quá khứ, những năm 1990 Eximbank cũng đã từng liên quan đến một vụ án kinh tế, sau đó chúng ta phải đưa Vietcombank vào quản lý. Trong thực tế, Nhà nước không bỏ một đồng nào vào Eximbank, vì sao Eximbank “sống lại” được? Vì chúng ta cho ngân hàng cơ hội, xử lý bằng biện pháp kinh tế.

TBKTSG: Vai trò của NHNN trong ba ngân hàng 0 đồng vừa rồi, theo ông, có khác gì với các trường hợp đã xử lý trong quá khứ?

- Vì sao NHNN vào các ngân hàng đó? Chúng ta đã có kinh nghiệm trong quá khứ, đã biết bài toán kinh tế ra sao, nhưng trước mắt phải “gắng sống đến bình minh” chứ. Anh đang ngồi trên một khối vàng, nhưng bụng đói meo, anh cần gì? Dĩ nhiên là bữa ăn. Giá một bữa ăn có thể 50.000-100.000 đồng, trong khi anh đang có, thí dụ, hai lượng vàng trong tay trị giá hàng chục triệu đồng. Vàng không ăn được, anh phải chờ đến ngày bán được vàng. Hiện giờ, có ai mua vàng đâu. Nên có ai đó cho anh một bữa ăn, bữa ăn đó quý lắm.

TBKTSG: Vậy NHNN là người có bữa ăn trong tay?

- NHNN vào các ngân hàng 0 đồng để đảm bảo duy trì hoạt động của chúng cho đến thời điểm có thể xử lý được các tài sản thế chấp. Nếu để tư nhân vào, có thể thị trường sẽ không tin tưởng, người gửi tiền đến rút tiền, sẽ gây xáo trộn.

Những trường hợp 0 đồng NHNN đều có phương án xử lý cụ thể như bao lâu, cơ chế chính sách đi kèm là gì để tạo ra cơ hội phục hồi.

TBKTSG: Dầu khí Toàn cầu (GPBank) là ngân hàng đứng đầu trong danh sách yếu kém và đứng khá lâu ở vị trí này. Vì sao đến gần đây mới giải quyết được, thưa ông?

- NHNN giới thiệu tập đoàn UOB (Singapore) vào khảo sát và nếu được thì đầu tư, tái cơ cấu, chuyển thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Họ đã làm xong gần như tất cả các quy trình. Họ sẽ tiếp quản GPBank, đầu tư đủ vốn điều lệ như quy định của Nhà nước, trả một giá cổ phiếu nhất định cho cổ đông cũ và lãnh trách nhiệm với các khoản nợ cần xử lý. Cuối cùng chỉ còn một nhóm cổ đông không đồng ý về giá cả cổ phiếu, nên họ đành ra đi. Đấy là giọt nước tràn ly.

Sau này NHNN giới thiệu tiếp Hongleong của Malaysia, nhưng Hongleong vào khảo sát được ba tháng, họ cũng đi ra. Kế đó hai ngân hàng cổ phần Việt Nam tham gia khảo sát, nhưng cũng không mang lại kết quả do văn hóa kinh doanh không phù hợp.

Đến thời điểm GPBank không tự tháo gỡ được nữa, càng để lâu càng lún sâu vào khó khăn, Nhà nước phải tiến hành xử lý theo quy định.

TBKTSG: Còn OceanBank thì sao? Trong giới tài chính có những thông tin chưa được kiểm chứng về tiền gửi, tiền vay và chênh lệch lãi suất ở đây.

- Những năm 2008-2011 mặt bằng lãi suất rất cao. Nếu anh huy động, cho vay vượt trần quy định, và sự chênh lệch lãi suất ấy làm lợi cho ngân hàng, tức ngân hàng hưởng, thì đã là sai phạm kinh tế. Còn nếu sự chênh lệch lại vào túi cá nhân nào đó, tổ chức nào đó, thì vấn đề đã thuộc phạm trù khác. Phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.

TBKTSG: Vì sao NHNN lại giao cho Vietcombank hỗ trợ Xây dựng, VietinBank hỗ trợ OceanBank, GPBank?

- Những ngân hàng 0 đồng hiện nay đã là ngân hàng 100% vốn Nhà nước. Vietcombank, VietinBank cũng tính toán và đôi bên cùng có lợi họ mới nhận. Vietcombank và VietinBank có thể hỗ trợ các ngân hàng 0 đồng bằng nhiều cách, như chuyển các hoạt động tốt sang. Trong quá trình điều hành, nền tảng quản trị, công nghệ của những anh 0 đồng bắt buộc phải theo cho tương thích với các ngân hàng lớn kia. Trên thực tế, cái xác của những ngân hàng yếu kém đã bị loại bỏ, chúng sẽ trở thành chân rết của Vietcombank, VietinBank.

Đến ngày chúng tốt lên, ở ngang mặt bằng với các ngân hàng đang hỗ trợ chúng, nếu Vietcombank và VietinBank muốn mua, sẽ sáp nhập chúng vào. Còn không, NHNN sẽ mang ra bán đấu giá công khai trên thị trường cho mọi đối tượng có nhu cầu, đáp ứng đủ quy định pháp lý và khả năng tài chính tham gia.    

TBKTSG: Ông có vẻ hơi tự tin, thưa ông?

- Tất cả những yếu tố trên đều đã có trong từng đề án của từng ngân hàng, được tính toán kỹ lưỡng các bước đi cùng với giải pháp thực hiện, NHNN không thể quyết khơi khơi được.

TBKTSG: Vừa rồi hẳn ông nắm được thông tin Eximbank họp đại hội đồng cổ đông từ sáng tới chiều tối mới kết thúc. Trong lịch sử 20 năm gần đây của ngành ngân hàng, đây có lẽ là cuộc họp đại hội đồng cổ đông kéo dài nhiều giờ nhất của một tổ chức tín dụng cổ phần?

- Eximbank là ngân hàng không có một cổ đông đủ lớn (điểm này chúng ta đang khuyến khích), mà cổ đông nhỏ lẻ nhiều, cổ đông có một vài phần trăm cũng không ít, để cầm chịch. Trong hội đồng quản trị có những người cổ phiếu thực có thấp, đứng tên hộ thì nhiều. Quyền lợi thực của người ta bé nhỏ, nhưng quyền lợi mà người ta đang vận hành lại lớn. Do đứng hộ tên, người ta không chú trọng đến hoạt động ngân hàng, mà chỉ quan tâm cổ tức. Một ngân hàng không lo làm, chỉ lo chia cổ tức, làm sao phát triển được?

Trước hiện trạng đó thanh tra giám sát NHNN phải vào cuộc, thanh tra rõ ràng cổ đông - cổ phần cổ phiếu, đối chiếu với quy định pháp luật, đặc biệt xem xét nguồn gốc tiền đầu tư cổ phần, có tiền ảo không. NHNN sẽ đi đến cùng, làm rõ trắng đen. Chính vì thế trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông chưa cho bầu nhân sự hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc. Hiện tại kết luận thanh tra đã hoàn tất, trong tháng 8-2015 sẽ họp đại hội đồng cổ đông bất thường, NHNN thông qua số cổ phần của Vietcombank nắm giữ, có thể sẽ đưa nhân sự của NHNN vào điều hành, quản lý.

TBKTSG: Còn Ngân hàng Đông Á thì sao, thưa ông? Họ cũng đã họp đại hội đồng cổ đông nhưng chưa bầu lại nhân sự.

- Đông Á về cơ bản là một ngân hàng có hệ thống mạng lưới tốt, công nghệ tốt, bộ máy nhân sự không đến nỗi nào, có kinh nghiệm kinh doanh và tương đối bảo thủ trong phát triển tín dụng. Hiện NHNN đang xem xét khả năng mọi mặt của các đối tác có thể hợp tác với Đông Á để trở thành cổ đông chiến lược lâu dài.

TBKTSG: Tái cơ cấu đòi hỏi nhiều thứ, trong đó có khả năng tài chính. Theo ông, liệu đã đến lúc nới room ngân hàng để thu hút vốn ngoại cho tái cấu trúc ngân hàng?    

- Chúng ta đang đứng ở giữa hai sức ép. Một mặt muốn có tiền tươi thóc thật nhanh để tái cơ cấu các ngân hàng. Mặt khác không muốn để hệ thống ngân hàng Việt Nam “rơi” vào tay nước ngoài. Chúng ta phải cân đối giữa hai điều đó. Giả sử nếu hôm nay Nhà nước chấp thuận nâng room ngân hàng lên 49% (tôi nói giả sử), thì vài tháng sau sẽ có đối tác nước ngoài nộp đơn xin mua cổ phần đến 49% của bốn ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh ngay. Và tôi chắc họ sẵn sàng trả giá cao hơn thị giá cổ phiếu đang giao dịch của VietinBank, Vietcombank, BIDV trên sàn.

Không cần đến 49%, chỉ cần nước ngoài sở hữu trên 35% cổ phần một ngân hàng, là phía Việt Nam đã không có quyền quyết định vì theo Luật Doanh nghiệp trên 35% là họ có quyền blocked (không thông qua một nghị quyết, quyết sách nào đó của ngân hàng) mặc dù họ có thể không phủ quyết được. Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Một khi chi phối được ngân hàng, việc kiểm soát nền kinh tế là chuyện có thể toan tính.

TBKTSG: Nhưng còn tiền tươi thóc thật cho tái cơ cấu, mà phải tái cơ cấu nhanh, tính thế nào đây, thưa ông?

- Chiều hướng chung là Việt Nam cũng phải mở thôi, nhưng lộ trình cần phù hợp. Vừa qua Chính phủ đã mở room cho các doanh nghiệp, đi trước một bước, room doanh nghiệp có thể tới 100%. Và Chính phủ cũng có thể cho phép nước ngoài vào ngân hàng yếu kém tới 100%. Còn hy vọng một sáng tỉnh dậy, thấy room ngân hàng đồng loạt mở trên 51% là không thực tiễn đâu.

Các nước trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với Việt Nam cũng rất hiểu vấn đề room ngân hàng và họ phần lớn chia sẻ quan điểm của chúng ta.  

Theo Hải Lý
TBKTSG

Nguồn:TBKTSG