menu search
Đóng menu
Đóng

Thống đốc: Tín dụng có thể đẩy lên 17% nếu cần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

21:45 24/06/2015

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng ngành ngân hàng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, nhấn mạnh 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục ổn định lãi suất huy động, giảm các mức lãi suất cho vay, đặc biệt phấn đấu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm từ 1,0 - 1,5%/năm.
Sáng nay, ngày 24/6, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Bình yêu cầu: “Vấn đề mà tôi cần các đồng chí tập trung quan tâm là điều chỉnh sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay về mức hẹp lại. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã xác định ổn định mặt bằng lãi suất và có điều kiện thì giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn”.

Thống đốc phân tích, thực tế hiện nay, NHTM huy động lãi suất dài hạn dao động ở mức 6,8-7,5%/năm. “Chúng ta có điều kiện giảm mặt bằng lãi cho vay trung và dài hạn thêm một ít nữa, ít phải được là 1%, nhiều thì 1,5%. Mặt bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 15 năm mà chỉ xoay quanh 7%/năm. Do vậy, đề nghị các NHTM theo đúng định hướng đó để chỉ đạo, điều hành”, Thống đốc nhấn mạnh.
 
Phải giảm thêm 1 – 1,5% lãi suất trung và dài hạn

Tại Hội nghị, Thống đốc Bình nhận định những ngày vừa qua ở một số thời điểm, lãi suất huy động của một số NHTM có tăng chút ít nhưng không đáng kể và ở mức hợp lý và cần thiết.

“Vì thời gian qua, lãi suất liên ngân hàng khá thấp. Về điều hành chung, tôi muốn lãi suất liên ngân hàng có thể tăng lên một chút nữa, nghĩa là nằm giữa lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu NHNN. Nếu đạt được mục tiêu đó chúng ta đảm bảo được hài hòa trong điều hành chính sách tiền tệ và góp phần giữ vững vị thế của VND cũng như giữ tỷ giá ổn định”, Thống đốc Bình phân tích.

Riêng về lãi suất cho vay, Thống đốc Bình cho rằng ngành ngân hàng cố gắng phấn đấu để lãi suất các kỳ hạn có thêm một chút giảm (nếu có điều kiện), đặc biệt là lãi suất trung và dài hạn, cố gắng phấn đấu giảm từ 1-1,5%.

“So với đầu năm, lãi suất trung và dài hạn đã giảm trung bình khoảng 0,5%. Như vậy, đây là nội dung phải tập trung chỉ đạo từ cấp ngân hàng trung ương đến các NHTM để giảm mặt bằng lãi suất trung, dài hạn như mục tiêu từ 1-1,5%/năm. Đây là nhiệm vụ đặt ra từ đầu năm nên chúng ta còn phải phấn đấu”, Thống đốc giao nhiệm vụ.

Về tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Bình nhận định nếu như năm trước ngành ngân hàng phải phấn đấu để đạt được những mục tiêu đề ra và thường tăng vào những tháng cuối năm như quý III, quý IV. Nhưng năm nay, tín dụng đã tăng trưởng ngay từ quý I và quý II. Tính đến hết quý II đã tăng hơn 6% nên không bị dồn vào các tháng cuối năm.

“Nếu xét như vậy đối với năm nay, tăng trưởng tín dụng không phải kêu gọi các TCTD phấn đấu, kêu gọi các TCTD tìm khách hàng để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, mà còn phải cắt bớt, vì các TCTD tăng”, Thống đốc Bình bình luận.

Thống đốc lạc quan với tình hình này, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 15%, nếu cần thiết phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì đưa lên 17%, nhưng nếu tăng cao hơn thì sẽ gây hệ lụy cho những năm tiếp theo.

Xử lý nợ xấu: Thưởng phạt phân minh

Bình luận về nợ xấu, Thống đốc Bình cho rằng hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về nợ xấu. “Nhưng với tinh thần cầu thị, ta cũng ghi nhận, xem xét để có ý kiến giải trình, bản thân. Chúng ta thấy đúng thì phải làm, kiên quyết làm cho bằng được. Vì vậy, cần tập trung xử ly nợ xấu, cả Ngân hàng Nhà nước và NHTM, phải có chế tài, làm tốt có thưởng, làm không tốt thì phạt. Thưởng phạt nghiêm minh thì hệ thống chúng ta sẽ rõ ràng”, Thống đốc giao nhiệm vụ.

Tuy nhiên, Thống đốc Bình cũng ghi nhận sự thay đổi của 2 con số nợ xấu (tổng hợp từ báo cáo của các TCTD và do Ngân hàng Nhà nước đánh giá). “Trong 4 năm với việc triển khai đồng bộ những giải pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cũng như những biện pháp tăng cường giám sát, hoạt động thông tin tín dụng toàn ngành thì 2 con số này ngày càng gần nhau hơn”, Thống đốc Bình nhận định.

Thống đốc Bình cũng ghi nhận việc xử lý nợ xấu và đã đưa được nợ xấu về 3,81% (tính đến hết tháng 3/2015).

“Mặc dù đạt được kết quả như trên nhưng đến 9/2015 phải đưa nợ xấu dưới mức 3%. Như vậy, nhiệm vụ nặng nề, các TCTD và các đơn vị có liên quan của Ngân hàng Nhà nước phải hết sức quyết liệt để hoàn thành được mục tiêu”, Thống đốc giao nhiệm vụ.

Thống đốc cũng chia sẻ với nhiều TCTD có mong muốn mở thêm room để tăng trưởng tín dụng. “Nhưng việc này phải đi đôi với việc xử lý nợ xấu. Những TCTD nào tích cực trong xử lý nợ xấu thì khả năng được tăng trưởng tín dụng mới mới hiện hữu, những TCTD nào không tích cực thì tăng trưởng tín dụng mới sẽ hạn chế”, Thống đốc nhấn mạnh.

“Thông điệp mà tôi muốn đặt ra cho các đồng chí là phải phân loại nợ cho đúng, trích lập dự phòng rủi ro cho đủ, tích cực bán nợ cho VAMC. Cái này sẽ gắn với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước sẽ phân bổ cho các NHTM nếu có xem xét lại để chúng ta làm sao đến tháng 9/2015. Chúng ta đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%. Đây là nhiệm vụ chính trị của ngành. Chúng ta đã nói, đã khẳng định là chúng ta làm được.

Tất cả các mục tiêu này chúng ta đã tính toán và khả thi nên phải bắt tay vào làm, làm quyết liệt ở từng TCTD. Các TCTD phải coi đây là nhiệm vụ của Ngành để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Đây là thông điệp thứ nhất, vấn đề này sẽ được xã hội, Quốc hội ưu tiên quan tâm và chúng ta phải báo cáo”, Thống đốc khẳng định.

Riêng về vấn đề tái cơ cấu, Thống đốc Bình nhấn mạnh thêm một lần nữa là các NHTM được giao nhiệm vụ tham gia vào quá trình tái cấu trúc lại các NHTM phải tích cực, quyết liệt mới đảm bảo được mục tiêu, kế hoạch đề ra.

“Các TCTD được chỉ định tham gia xử lý các TCTD khác phải tích cực. Ngân hàng Nhà nước không để các TCTD tham gia tái cơ cấu bị thiệt về tiền bạc. Cái chúng tôi cần là đội ngũ cán bộ, năng lực quản trị, đồng thời có những lợi ích trong quá trình triển khai. Ngân hàng Nhà nước cũng phải sòng phẳng với các đơn vị kinh doanh, tạo môi trường cho họ làm sao làm tốt hơn. Nguyên tắc đó chúng tôi đã phổ biến đến các TCTD trong quá trình triển khai tái cơ cấu”, Thống đốc tiếp tục khẳng định.

Nguồn:Bizlive