Ngày 19/8, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% đồng thời nới biên độ từ +/-2% lên +/-3%. Quyết định kép hiếm có này xảy ra đúng một tuần sau khi biên độ tỷ giá đã được nới gấp đôi, từ mức +/-1% duy trì nhiều năm qua. Nếu tính cả hai lần tăng đầu năm, đến nay tỷ giá trần đã tăng tới 5%. Trong khi đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng cam kết ổn định tỷ giá, cả năm tăng không quá 2%.
Động thái phá vỡ cam kết này được nhiều ngân hàng, chuyên gia trong nước và quốc tế tán đồng, xem như một cách điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế nhiều bất ổn. Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh cho rằng lần thứ nhất nới biên độ nhằm đối phó ngay lập tức với việc Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ, còn lần hai dự phòng đường dài hơn, trù liệu cho cả tình huống Mỹ có thể tăng lãi suất vào tháng 9, khiến đồng đôla mạnh hơn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoan nghênh biện pháp điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước bởi nó sẽ cho phép tỷ giá linh hoạt hơn. Việc mở rộng biên độ cũng được nhận định là giúp tăng cường khoảng đệm chính sách để chống đỡ các cú sốc bên ngoài. "Việc mở rộng biên độ tỷ giá giúp Việt Nam có thêm dư địa cho chính sách tiền tệ độc lập, qua đó giúp Chính phủ đạt được mục tiêu lớn hơn là duy trì ổn định lạm phát và kinh tế vĩ mô nói chung. Tăng cường linh hoạt tỷ giá theo cả hai chiều cũng có ý nghĩa quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho những thay đổi nền tảng của kinh tế Việt Nam như việc tham gia các hiệp định thương mại mới và các cải cách cơ cấu khác", ông Jonathan Dunn – Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam nói.
Trong khi đó, bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định những biện pháp chính sách vừa qua của Ngân hàng Nhà nước cho thấy sự linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá
"Chúng tôi cho rằng đây là bước đi đúng hướng và chủ động của Ngân hàng Nhà nước sau khi đánh giá các yếu tố bên ngoài và thậm chí đã tính đến các tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới như việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ rút gói nới lỏng định lượng. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị cho cơ chế tỷ giá sẵn sàng ứng phó theo hướng linh hoạt hơn", bà bình luận.
Bản thân Ngân hàng Nhà nước khi ra quyết định điều chỉnh cũng cho biết nhằm tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ - FED tăng lãi suất trong thời gian tới cũng như việc mất giá của đồng nhân dân tệ.
"Sau hai lần điều chỉnh vừa qua, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016", Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói và hàm ý cơ quan điều hành có thể không tăng tỷ giá thêm nữa từ nay tới đầu năm sau.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank KimEng dự báo từ nay đến cuối năm xác suất VND sẽ phá giá tiếp là rất nhỏ, bởi động thái của Trung Quốc vừa qua là 10 năm mới có một lần. "Tôi không cho rằng Trung Quốc có thể nhanh chóng lặp lại những động thái như thời gian qua. Nếu trong môi trường bình thường, sẽ không có thêm một sự điều chỉnh", vị này cho biết.
Tuy nhiên, thị trường tiền tệ hiện nay cho thấy có những diễn biến khó lường, đặc biệt là biến số đến từ Trung Quốc và Mỹ. Trong kịch bản nhân dân tệ tiếp tục phá giá để kích thích xuất khẩu và lãi suất đồng bạc xanh tăng cao, nhiều chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể phải điều chỉnh tiếp để tăng cường khả năng chống đỡ và ổn định kinh tế.
Theo HSBC, đồng nhân dân tệ sẽ còn giảm giá thêm khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho phép tỷ giá do thị trường quyết định. Do đó, HSBC cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thực hiện việc giảm giá tiền đồng thêm nữa nếu như muốn các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì năng lực cạnh tranh với Trung Quốc.
Ngoài ra, các chuyên gia HSBC nhìn nhận, nếu FED bắt đầu tăng lãi suất trong năm nay và một sự điều chỉnh có thể đến để tăng tính hấp dẫn cho tiền đồng khi nguồn vốn ngoại có thể rút khỏi thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Đồng USD mạnh lên cũng gây áp lực lên tỷ giá.
Song, HSBC cho rằng tiền đồng sẽ không giảm giá mạnh từ nay về sau, mà một mức tối đa 2% từ nay tới cuối năm và 2% trong cả năm 2016 là hợp lý. Nhu cầu nội địa đã hồi phục, cán cân thanh toán cân bằng hơn, cộng với mức độ lạm phát thấp và lãi suất thực tế khá cao cho phép các chính sách tỷ giá trở nên linh động hơn trong khả năng kiểm soát nhu cầu USD.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, sau quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá 1% và nới biên độ lên 3% thì áp lực lên tỷ giá vẫn còn. Bởi hiện nay bên cạnh yếu tố bên ngoài là đồng USD đang mạnh lên và đồng nhân dân tệ khả năng sẽ phá giá tiếp... thì nhu cầu đầu tư của Chính phủ khá cao nhằm tạo động lực phát triển kinh tế nên cần nguồn vốn lớn. Nhưng các ngân hàng thương mại (đối tượng chính mua trái phiếu Chính phủ) gần như không còn nhiều dư địa để mua trái phiếu Chính phủ. Do đó, nhu cầu để đưa tiền ra nhằm đáp ứng việc đầu tư, phát triển kinh tế xã hội là có, tức là áp lực cung tiền vẫn đang hiện hữu và là yếu tố có thể tác động lên tỷ giá.
Ông Hiển phân tích, để giải toả phần nào những áp lực trên, Việt Nam hiện giờ trông chờ vào các nguồn cung USD từ kênh đầu tư tài chính và kiều hối. Ngoài ra, nếu Chính phủ có những kênh huy động vốn ngoại tệ tốt thì cũng sẽ góp phần tích cực trong việc làm giảm áp lực tỷ giá thời gian tới.
"Và trong trường hợp chính sách được điều hành tốt thì đến cuối năm khả năng tỷ giá USD/VND vẫn sẽ điều chỉnh thêm khoảng 1%. Trường hợp xuất hiện những diễn biến bất thường và Việt Nam điều hành không tốt (tức hoàn toàn bị động), tỷ giá có thể tăng tới 3% nữa", ông dự báo.
Đánh giá những tác động nếu tiền đồng tiếp tục bị mất giá, ông Hiển cho rằng, không nên quá lo ngại. Bởi, đã gọi là chính sách tỷ giá linh hoạt thì tuỳ tình hình thực tế mà cân nhắc điều chỉnh miễn sao tác động tích cực nhiều hơn những yếu tố tiêu cực. Điểm tích cực lớn theo ông Hiển là các doanh nghiệp xuất khẩu có lợi thấy rõ, các doanh nghiệp trong nước cũng nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa Trung Quốc.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhìn nhận, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị cho cơ chế tỷ giá sẵn sàng ứng phó theo hướng linh hoạt hơn. Điều quan trọng là trong thời gian tới, nhà điều hành cần tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của các điều chỉnh chính sách vừa qua đối với ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của công chúng cũng như tiếp tục theo dõi các cú sốc khác từ bên ngoài có thể xảy ra, ví dụ như diễn biến của đồng nhân dân tệ, và chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời.
Hiện nay nhiều người lo ngại nhất là bài toán gánh nặng nợ nước ngoài khi tỷ giá tăng. Theo số liệu mới nhất, nợ công Việt Nam cuối năm 2014 khoảng 110 tỷ USD, dự báo tăng lên 60,3% năm 2015 và có thể tiến tới 64,9% trong năm tới - tiệm cận với ngưỡng an toàn 65% GDP. Từ năm 2016, áp lực trả nợ nước ngoài cũng ngày càng tăng khi Việt Nam "tốt nghiệp các ưu đãi từ nhà tài trợ".
"Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với cơ cấu tiền tệ vay nợ hiện tại, nếu tỷ giá USD được điều chỉnh tăng thêm 1%, nghĩa vụ nợ công sẽ tăng lên khoảng 10.000 tỷ đồng. Điều này sẽ khiến cho tình hình thu chi ngân sách năm nay, vốn đang gặp khó khăn, sẽ càng khó khăn hơn", chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) cho biết.
HSBC cho rằng tiền đồng giảm giá thêm 1% trong ngày 19/8 cộng với mức điều chỉnh giảm thêm 2% cuối năm dường như không tạo ra nhiều áp lực lên hệ thống tài chính trong nước trong bối cảnh mức nợ nước ngoài ngắn hạn khá nhỏ và có thể kiểm soát được. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nợ ngắn hạn thấp nhất thứ ba trong khu vực châu Á, mặc dù tổng số nợ nước ngoài đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây.
Theo Phương Linh - Lệ Chi
VnExpress
Nguồn:VnExpress