menu search
Đóng menu
Đóng

Đồng bằng sông Cửu Long cơ cấu lại diện tích trồng lúa

10:05 16/10/2014
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, từ năm 2015 các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm dần diện tích lúa để đến năm 2020 trở đi, ổn định sản lượng lúa hàng năm 24,5 triệu tấn, giảm 500.000 tấn so năm 2014.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, từ năm 2015 các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm dần diện tích lúa để đến năm 2020 trở đi, ổn định sản lượng lúa hàng năm 24,5 triệu tấn, giảm 500.000 tấn so năm 2014 theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới.

Để hoàn thành mục tiêu trên, các tỉnh bố trí lại việc sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị bằng cách sử dụng 1,82 triệu ha đất phục vụ trồng lúa, trong đó có 1,7 triệu ha chuyên canh lúa, 185.000 ha luân canh lúa – màu (ngô, đậu tương, rau màu), 240.000 ha luân canh lúa – thủy sản. Vòng quay của đất lúa sẽ giảm từ 2,3 vòng xuống còn 2,1 vòng trong năm. Diện tích canh tác lúa hàng năm từ 4,25 triệu lượt ha giảm còn 4 triệu lượt ha. Các tỉnh sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, đạt chuẩn nhằm nâng năng suất lúa bình quân 5,9 tấn/ha/năm hiện nay lên 6,2 tấn/ha/năm. Các tỉnh áp dụng các biện pháp thâm canh tiên tiến, nâng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận từ 70% lên 80%; đẩy mạnh cơ giới hóa và công nghệ sau thu hoạch để tăng năng suất, hạ giá thành sản xuất.

Bên cạnh đó, các tỉnh xây dựng vùng sản xuất tập trung và cánh đồng mẫu lớn rộng 1,2 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao cung ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến song song với nâng cấp hệ thống chế biến lúa gạo, kho chứa lúa gạo theo công nghệ hiện đại nhằm nâng tỷ lệ thu hồi gạo nguyên từ 56% hiện nay tăng lên 68%, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 13% còn 5% đồng thời tăng lượng gạo xuất khẩu có giá trị gia tăng cao thêm từ 10 – 15%.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: Hệ thống thủy lợi trong vùng sẽ được đầu tư theo hướng đa mục tiêu, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp vừa cấp nước sạch cho dân. Theo đó, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ nâng cấp, hoàn chỉnh hệ thống đê sông, biển thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cấp các công trình thoát lũ, dẫn và tiêu nước, trữ nước và hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng tại vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, giữa sông Tiền và sông Hậu.

Cụ thể tại vùng Đồng Tháp Mười, sẽ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống bờ bao, đê ngăn lũ cùng lúc với nạo vét, mở rộng hệ thống kênh ngang nhằm tăng năng lực cấp nước từ sông Tiền sang sông Vàm Cỏ, qua đó chủ động trữ nước, kiểm soát mặn trên sông này đồng thời xây dựng công trình chuyển nước ngọt bổ sung cho hệ thống thủy lợi Bảo Định và Gò Công (Tiền Giang). Vùng Tứ Giác Long Xuyên sẽ hoàn thiện các công trình mở rộng kênh trục, nâng cấp các hồ chức nước ngọt và công trình kiểm soát lũ biên giới, ngăn mặn ven biển Tây đồng thời phục vụ nuôi thủy sản. Vùng Bán đảo Cà Mau sẽ hoàn thiện hệ thống đê biển, đê cửa sông và công trình phân ranh vùng mặn, ngọt cùng hệ thống thủy lợi dọc quốc lộ I để bổ sung nước cho vùng nuôi tôm lớn nhất nước. Ngoài ra, các kênh nối sông Tiền với sông Hậu, hệ thống kiểm soát lũ tại vùng giữa sông Tiền và sông Hậu và vùng Tây sông Hậu cũng sẽ được nâng cấp hoàn chỉnh.

Nguồn: TTXVN

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam