menu search
Đóng menu
Đóng

Giải pháp ổn định thị trường rau xanh

15:50 26/07/2011
 

Từ đầu tháng 7 đến nay, tại Hà Nội và một số địa phương, giá rau xanh tăng cao đột biến, ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 11/NQ - CP của Chính phủ.

"Hạ nhiệt" giá rau tại thời điểm hiện tại và rà soát, bổ sung quy hoạch các vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung trên từng địa bàn nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu đang là yêu cầu cấp thiết.

Giá rau xanh tăng đột biến

Khoảng cuối tháng 6, tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía bắc, giá rau xanh tăng cao hơn rất nhiều so với các tháng trước đó. Ðặc biệt, tại các chợ nội thành Hà Nội, giá rau lên rất cao. Ði một vòng các hàng rau tại chợ Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, hầu hết người bán đều cho biết, giá rau xanh tăng từng ngày. Chị Mai, chủ một cửa hàng rau tại chợ, cho biết: Rau cải ăn lá giá tăng từ 12.000 đồng/kg lên 15-20.000 đồng/kg; Dưa chuột bao tử từ 3.500 đồng/kg lên 8.500 đồng/kg; Cà chua từ 6.000 đồng/kg lên 12 - 15.000 đồng/kg; Rau muống từ 2.000 đồng/mớ lên 4.000- 5.000 đồng/mớ. Chị Mai phân trần: Chúng tôi không muốn rau tăng giá mạnh như thế vì người mua kêu lắm, nhưng rau nhập vào cửa hàng giá đã cao, nên cũng không thể bán thấp hơn được. Nhiều khi để giữ khách, có những loại rau chúng tôi chỉ bán bằng giá nhập vào. Tại các hệ thống siêu thị FiviMart và Hapro, giá rau xanh cũng tăng. Như rau muống, nếu như đầu tháng 6, đóng gói 300 g giá nhập cho các siêu thị là 3.600 đồng nay tăng lên 4.600 đồng, mồng tơi đóng tăng số lượng từ 200 g lên 250 g thì giá cũng tăng từ 3.000 lên 3.800 đồng. Tính ra hầu hết các loại rau giá đều tăng khoảng 10%.

Theo tìm hiểu tại các địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, tiến độ trồng rau vụ hè thu cũng tương đương cùng kỳ năm trước: Hải Phòng 3.300 ha (102,9%), Hưng Yên 2.662 ha (145%), Hà Nam 1.150 ha (106,9%), Hà Nội 4.525 ha (86,8%), Thái Bình 4.400 ha (84,5%)... Nhưng giá rau xanh thời điểm này lại tăng đột biến. Nguyên nhân là vì đâu? Theo Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá rau xanh tăng đột biến trong thời gian qua là do nguồn cung bị giảm sút do giáp vụ rau và mưa bão. Hiện tại đang là vụ rau hè thu, vụ có diện tích rau thấp nhất trong năm, lại đúng vào thời điểm thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh dễ phát sinh, nhất là với nhóm rau ăn lá, rau ưa lạnh. Vụ rau này chủ yếu được trồng ở các vùng chuyên canh rau, một phần diện tích vụ đông, đông xuân đã chuyển sang cấy lúa hoặc trồng dưa. Thí dụ tại Hải Phòng, diện tích trồng rau từ đầu năm đến nay là 14.020 ha, trong đó vụ đông 7.628 ha, vụ xuân 3.092 ha và vụ hè thu 3.300 ha. Chủng loại rau vụ hè thu không đa dạng và luôn là thời điểm khan hiếm nguồn cung các loại rau ưa lạnh như cà chua, xà lách... Ðặc biệt từ sau cơn bão số 2 đến nay, các tỉnh phía bắc, nhất là vùng đồng bằng sông Hồng có mưa nhiều, gây khó khăn cho làm đất, gieo trồng rau hè thu. Một số lứa rau gieo trồng gặp mưa bị hỏng, một số vùng bị ngập úng, sau đó lại nắng nóng gay gắt làm rau bị chết úng hoặc chết héo. Trong đó, đáng chú ý là các loại rau cải ăn lá trồng không có mái che dễ bị hư hỏng, dập nát do mưa, bão. Ngoài ra, việc thiếu nhân lực các vùng rau cũng ảnh hưởng đến sản xuất rau. Thời gian qua, do nông dân tập trung thu hoạch lúa đông xuân, gieo cấy lúa mùa, vì vậy không có nhiều thời gian gieo trồng, chăm sóc rau.

Tuy nhiên, ngoài yếu tố trực tiếp từ các vùng rau thì giá vật tư đầu vào tăng cao cũng là một nguyên nhân quan trọng làm giá rau xanh tăng đột biến. Theo khảo sát, so với cùng kỳ năm 2010, giá phân u-rê tăng từ 7.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg, phân lân từ 3.000 đồng/kg lên 3.500 đồng/kg, phân ka-li tăng từ 9.000 đồng/kg lên 12.000 đồng/kg, DAP tăng từ 11.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg. Theo Cục Bảo vệ thực vật, giá một số giống rau và thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 10 đến 30%, trong khi nguồn rau nhập khẩu quý II năm nay giảm 10% so với quý I. Chưa kể giá công lao động đã tăng lên mức 80.000 - 100.000 đồng/công, trong khi cùng kỳ năm 2010, chỉ ở mức giá 50.000 - 70.000 đồng/công. Ngoài ra, do sự lợi dụng của một bộ phận tư thương thu gom bán buôn, bán lẻ rau xanh khi nguồn cung bị hạn chế cũng tác động đến sự tăng giá của mặt hàng này.

Ổn định thị trường rau xanh

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Ðồng Quảng cho biết, Cục Trồng trọt đã đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp bình ổn thị trường rau xanh. Trước mắt, đẩy mạnh gieo trồng rau vụ hè thu, bổ sung các giải pháp bảo đảm chủ động nước tưới tiêu cho các vùng rau tập trung, quy mô hàng hóa lớn, đa dạng hóa các chủng loại rau cung cấp cho thị trường. Với các vùng trồng rau bị thiệt hại nặng trong cơn bão số 2 và các đợt mưa lớn vừa qua thì địa phương cần có chính sách hỗ trợ nông dân về vốn và đề xuất hỗ trợ giống dự phòng Trung ương. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những giải pháp tình thế để ứng phó kịp thời với biến động giá rau xanh hiện tại. Còn về lâu dài, cần có những biện pháp đồng bộ từ quy hoạch, sản xuất đến tiêu thụ. Theo Phó Cục trưởng Phạm Ðồng Quảng, để sản xuất rau phát triển ổn định và khắc phục triệt để tình trạng giá rau xanh tăng đột biến thì nhất thiết phải quy hoạch các vùng trồng rau tập trung, ổn định, bảo đảm đủ sản lượng rau cung cấp cho thị trường. Khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng rau để tăng diện tích, nhất là trong vụ hè thu và thu đông. Các địa phương có thời tiết phù hợp như Mộc Châu, Sa Pa, Hà Giang cần nhanh chóng hình thành các vùng rau ưa lạnh nhằm cung cấp nguồn rau đa dạng cho Hà Nội và các thành phố lân cận. Thực tế tại các khu sản xuất rau an toàn, chất lượng cao, giá rau xuất cho các siêu thị, cửa hàng không hề tăng trong thời gian qua.

Ngoài ra, để đối phó với thời tiết bất thường và dịch bệnh gây hại, cần tăng cường đầu tư diện tích trồng rau trong nhà có mái che, nhà màn, nhà lưới... Mở rộng diện tích trồng rau áp dụng kỹ thuật vòm che thấp, nhất là với rau ăn lá, rau ăn sống để chủ động sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng. Ngoài ra phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, giá cả vật tư đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... Chủ động khâu kết nối, liên kết ổn định giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ hoặc xuất khẩu rau với các hợp tác xã, nông dân vùng sản xuất rau. Khuyến khích tiêu thụ rau thông qua hợp đồng. Phát triển mạng lưới tiêu thụ rau an toàn qua siêu thị, đại lý, cửa hàng bán rau có nguồn gốc, được chứng nhận an toàn thực phẩm và được hỗ trợ bình ổn giá.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo trong thời gian tới, giá rau xanh sẽ hạ nhiệt và ổn định hơn. Trong khi một số loại rau như rau cải ăn lá, cà chua, rau sống, rau thơm... vẫn duy trì ở mức giá cao thì các loại rau phổ thông như rau muống, rau đay, mồng tơi, rau dền... sẽ giảm giá dần do dễ trồng, nguồn cung tăng ổn định. Mặt khác, giá rau xanh tăng cao sẽ kích thích người sản xuất. Hiện tại, các vùng trồng rau đang đẩy mạnh gieo trồng, chăm sóc rau hè thu. Ngoài ra, nguồn rau từ Lâm Đồng và một số tỉnh phía bắc và Trung Quốc sẽ được nhập bổ sung tăng nguồn cung cho thị trường Hà Nội.

Nguồn: Nhandan

Nguồn:Vinanet