menu search
Đóng menu
Đóng

Nông dân châu Âu bế tắc trong “khủng hoảng sữa”

15:53 17/08/2015

Trong tuần trước, giá sữa thế giới đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm.
Tuần trước, tại một siêu thị ở vùng West Midlands nước Anh, những người mua hàng không khỏi choáng váng, khi đứng chắn ở lối cửa ra vào là hai con bò lớn, sau lưng nó là vài chục người nông dân đang hò hét tức giận với hàng loạt biểu ngữ.

Những nông dân tuyệt vọng

Trước đó không lâu, nhiều nông dân Anh vào siêu thị mua buôn hàng thùng sữa, rồi vứt nó chỏng chơ ngay trước cửa siêu thị.

Còn cách đây mới chỉ vài ngày, hàng trăm nông dân Pháp dùng máy kéo chặn các tuyến đường nối đến Lyon, thành phố lớn ở miền Nam nước này.

Nông dân Pháp còn chặn cả các ngả đường vào nước này từ Tây Ban Nha và Đức, với lý do nguồn cung sữa giá rẻ từ hai nước trên đã khiến cuộc sống của họ vô cùng khó khăn.

Nông dân Bỉ thì mua sữa trong siêu thị rồi mang đổ hết ra đường. Họ còn mang cả bò sữa đi biểu tình, hay phun sữa vào mặt cảnh sát.

Và hàng trăm các cuộc biểu tình lớn nhỏ khác của nông dân ngành sữa đã nổ ra khắp châu Âu, trong bối cảnh giá thu mua sữa giảm quá sâu xuống dưới giá thành.

Giá thành sản xuất một lít sữa tươi của nông dân Anh hiện vào khoảng 10 nghìn đồng Việt Nam. Trong khi tháng 6 vừa qua, với mỗi lít sữa tươi thu mua, nông dân Anh được trả khoảng 0,37 USD, tức là khoảng 8 nghìn đồng Việt Nam.

Cá biệt không ít nông dân khác chỉ bán được sữa cho các nhà máy ở mức 5 nghìn đồng Việt Nam/lít.

Một năm trước, họ còn bán được sữa tươi ở mức giá tương đương khoảng 11 nghìn đồng Việt Nam/lít, như vậy sau một năm, giá thu mua sữa đã giảm đến 25%.

Tại sao giảm sâu?

Trong tuần trước, giá sữa thế giới đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm. Nhu cầu của Trung Quốc, Trung Đông, Bắc Phi với các sản phẩm sữa suy giảm.

Hoạt động sản xuất mở rộng quá nhanh, nguồn cung quá dư thừa, giá sữa bán ra vì thế bị đẩy xuống thấp hơn cả giá thành. Từ đầu tháng 1 đến nay, hơn 260 trong tổng số 12 nghìn gia đình nông dân nuôi bò sữa ở Anh đã phải bán trang trại và chuyển sang làm nghề khác.

Trước tình cảnh căng thẳng của người nông dân nuôi bò sữa, Liên đoàn Nông dân Anh (NFU) đã có nhiều biện pháp hỗ trợ. Họ gửi bản kiến nghị đến các công ty bán lẻ và chế biến sữa yêu cầu họ phải đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong việc thu mua sữa của nông dân.

Mặc dù vậy, cuộc chiến giá cả giữa các siêu thị chính là một phần nguyên nhân khiến giá sữa giảm. Tháng 6/2014, nông dân nhận được 68% giá trị mà người tiêu dùng bỏ ra để mua sữa tươi. Một năm sau, tỷ lệ này chỉ còn 55%.

Theo một tính toán khác, giá thu mua sữa từ nông dân giảm 25%, trong khi giá bán lẻ tại các siêu thị chỉ giảm 7%.

Tại châu Âu, ngoài lý do nguồn cung dư thừa bởi mở rộng sản xuất quá nhanh và nguồn cung giá rẻ từ nước có nguồn nhân công thấp và công nghệ sản xuất hiệu quả hơn, nông dân ngành sữa nhiều nước châu Âu như Pháp, Hà Lan, Bỉ còn khó khăn bởi lý do khác.

Châu Âu áp dụng chế độ giá can thiệp hay còn gọi là giá sàn (intervention price) đối với nông sản, trong đó có sữa. Mức giá sàn này được tính toán để đảm bảo cho nông dân ít nhất hòa vốn với sản phẩm mà họ sản xuất ra.

Tuy nhiên cơ chế áp dụng mức giá này lại rất rắc rối và không phát huy được nhiều hiệu quả với nhiều thủ tục khá rườm rà, đặc biệt với ngành sữa, khi nông dân không quá dư dật về tài chính.

Nhiều nông dân sẵn sàng bán sữa dưới giá sàn để có ngay tiền mặt, chứ không muốn phải thực hiện những thủ tục nhiều công đoạn, thanh toán chậm, chỉ nhận được tiền sau tận hai tháng.

Có lẽ, chính động thái bán sản phẩm dưới giá sàn cũng góp phần khiến giá sữa giảm sâu. Chính phủ các nước châu Âu sẽ cần phải nâng giá sàn đối với nông sản và đơn giản hóa thủ tục thanh toán, nếu muốn cứu nông dân ngành sữa. 

Theo Ngọc Diệp 

VnEconomy

Nguồn:VnEconomy