menu search
Đóng menu
Đóng

Sản lượng lúa đông xuân tại ĐBSCL tăng 200.000 tấn

14:49 29/04/2014
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, đến nay Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thu hoạch 1,1 triệu ha trong 1,6 triệu ha lúa đông xuân, năng suất bình quân đạt 6,87 tấn/ha. Ước sản lượng lúa cả vụ đạt 11 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so vụ đông xuân trước.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, đến nay Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thu hoạch 1,1 triệu ha trong 1,6 triệu ha lúa đông xuân, năng suất bình quân đạt 6,87 tấn/ha. Ước sản lượng lúa cả vụ đạt 11 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so vụ đông xuân trước.

Hiện giá lúa khô mua tại kho loại thường dao động từ 5.150 đến 5.250 đồng/kg, lúa dài từ 5.400 đến 5.500 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện ở mức 6.700 đến 6.800 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm từ 6.500 đến 6.600 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì bán tại mạn tàu từ 7.700 đến 7.800 đồng/kg, gạo 15% tấm từ 7.450 đến 7.550 đồng/kg và gạo 25% tấm từ 7.250 đến 7.350 đồng/kg. Với giá lúa hiện nay so với giá thành sản xuất bình quân 3.679 đồng/kg, nông dân thu lãi từ 39% trở lên.

Cũng theo Ban chỉ đạo, để đạt được kết quả trên nhờ các tỉnh trong vùng đã khoanh vùng sản xuất theo quy trình kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo và đã kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra bùng phát dịch hại. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng tăng cường sản xuất giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận; đồng thời hỗ trợ giống gốc và cho vay ưu đãi, tập huấn cho các hộ nhân giống nắm vững kỹ thuật sản xuất giống lúa xác nhận đạt chuẩn. Ngoài ra, các tỉnh cũng tăng cường thanh kiểm tra các đơn vị sản xuất và kinh doanh giống cả trong giai đoạn sản xuất, chế biến, lưu thông…
Cùng với đó, các địa phương cũng chủ động được việc tưới tiêu, làm đất kỹ; nông dân sử dụng giống xác nhận gieo sạ hàng với mật 117kg/ha. Việc gieo sạ này được thực hiện đồng loạt, né rầy, né hạn. Nhờ đó, toàn bộ diện tích đều tránh được rầy di trú từ 18 – 25 ngày sau khi sạ. Các bệnh gây hại khác như cháy lá, đốm vằn, lép hạt xuất hiện phổ biến tại các mô hình (giai đoạn lúa 28 – 45 ngày sau sạ) nhưng được phòng trừ kịp thời nên mức gây hại không đáng kể. Bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá chỉ xuất hiện tại một số mô hình sau 40 ngày sạ nhưng tỉ lệ nhiễm thấp, không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cây lúa.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá các cấp cũng phân công cán bộ bám cơ sở, cùng nông dân giám sát đồng ruộng; hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa, phòng trừ rầy nâu bằng nhiều biện pháp khoa học hữu hiệu nên diện tích lúa nhiễm bệnh không nhiều.

Nguồn: TTXVN

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam