menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường cà phê tuần 3 từ ngày 12-17/01/2015

14:31 19/01/2015

Giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên cuối tuần (17/1) có diễn biến giảm mạnh so với phiên trước đó (16/1) 300-500 đồng/kg chốt ở 39.600-40.200 đồng/kg. Tuy nhiên so với phiên đầu tuần (12/1), giá cà phê nhân xô chỉ giảm 0,2%-0,7%.
(VINANET) – Giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên cuối tuần (17/1) có diễn biến giảm mạnh so với phiên trước đó (16/1) 300-500 đồng/kg chốt ở 39.600-40.200 đồng/kg. Tuy nhiên so với phiên đầu tuần (12/1), giá cà phê nhân xô chỉ giảm 0,2%-0,7%. Thị trường cà phê nội địa có biến động rất thất thường. Cách đây hơn một tuần, giá cà phê các tỉnh Tây Nguyên đã có lúc gần sát 41.000 đồng/kg nhưng sang tuần vừa rồi có lúc giá lại chùng xuống quanh mức 39.000 đồng/kg.

Tại cảng TPHCM giá cà phê robusta theo giá FOB cuối tuần giảm 28 USD so với phiên trước và giảm 23 USD (tương đương 1,2%) so với phiên đầu tuần đứng ở mức 1.880 USD/tấn.

Tham khảo giá cà phê nhân xô tại Việt Nam

Thị trường
Đơn vị
Ngày 12/1
Ngày 16/1
Ngày 17/1

FOB (HCM)

USD/tấn
1.903
1.908
1.880

Đắc Lắc

VND/kg
40.300
40.700
40.200

Lâm Đồng

VND/kg
39.800
40.300
39.600

Gia Lai

VND/kg
40.500
40.700
40.200

Trên sàn giao dịch thế giới, giá cà phê cuối tuần toàn sắc đỏ.

Tại thị trường London, trên sàn giao dịch ICE Futures Europe, đầu phiên giao dịch ổn định nhưng yếu dần về cuối phiên. Giá tại các kỳ hạn đóng cửa giảm 28-32 USD/tấn tương đương 1,42-1,65% so với phiên trước đó. Khối lượng giao dịch thấp với hơn 9.000 lot (1 lot = 10 tấn).

Tại thị trường New York, trên sàn giao dịch ICE New York, đầu phiên giao dịch im ắng và đóng cửa giảm mạnh do lực bán từ các nhà đầu cơ và từ các nước xuất khẩu. Các kỳ hạn giảm tương đối đồng đều ở mức 5,6-5,65 cent/lb so với phiên trước. Khối lượng giao dịch trung bình hơn 19.000 lot (1 lot = 37.500 lb).

Hôm nay (19/1), thị trường cà phê Arabica New York đóng cửa nghỉ lễ Martin Luther King còn sàn Robusta London vẫn hoạt động bình thường.

Theo dự báo, trong tuần này thị trường sẽ tiếp tục yếu đi do đồng USD tiếp tục mạnh lên và các thông tin trái chiều về thời tiết Brazil đã làm thị trường giao dịch trồi sụt.

Năm 2014, giá cà phê arabica tăng 50% khi sản lượng giảm mạnh do ảnh hưởng của đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 8 thập kỷ tại Brazil – nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Và với tình hình thời tiết hiện tại ở nước này thì diễn biến giá cà phê arabica năm nay cũng không phải là ngoại lệ.

Thị trường đang rất quan tâm tới thời tiết tại Brazil để dự đoán tình hình mùa vụ. Theo ước tính của các nhà phân tích Brazil Safras & Mercado từ ngày 9/1, sản lượng cà phê Brazil năm 2014 đạt 48,9 triệu bao, khoảng 72% sản lượng cà phê vụ mới đã được bán, cao hơn so với 63% cùng kỳ vụ trước.

Somar Meteorologists tại Brazil dự báo hôm 15/1, đầu tuần này thời tiết vẫn khô nóng tại miền đông nam Brazil nhưng sang cuối tuần sẽ có mưa và diễn biến này sẽ kéo dài đến hết tháng. Tuy nhiên, lương mưa trong tháng 1 năm nay sẽ thấp hơn 48% so với mức trung bình.  

Cơ quan thống kê sản lượng thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil (CONAB) vừa qua đã phát hành dự báo định kỳ cho sản lượng cà phê năm tới. CONAB dự báo rằng sản lượng niên vụ 2015/16 của Brazil có tăng nhưng không đáng kể, arabica trong khoảng từ 32,5-34,4 triệu bao (loại 60 kg) và robusta 11,6-12,2 triệu bao, riêng về robusta năm tới CONAB báo giảm so với năm nay là 13 triệu bao.

Thường thường dự báo sản lượng cà phê của CONAB là con số thấp nhất trong mọi dự báo. Con số lần này quả đáng ngạc nhiên. Một số nhà phân tích ngành hàng cho rằng con số robusta nhỏ hơn rất đáng suy nghĩ và nghi ngờ. “Không chừng họ báo nhỏ hơn để kích nước khác giữ hàng để họ rộng tay bán ra,” một chuyên gia ý kiến.

Brazil đã bán cà phê niên vụ 2014/15 này ra cao kỷ lục, quá xa mức bán bình quân ghi nhận trong lịch sử bán hàng. Hoạt động mua bán nhộn nhịp đến nỗi giá chênh lệch rẻ hơn. Ủy hội Xuất khẩu Cà phê Brazil cho biết, với mức xuất khẩu cà phê tháng 12/2014 đạt 3,12 triệu bao, năm 2014 là năm Brazil xuất khẩu lập kỷ lục với 36,32 triệu bao, mức kỷ lục cũ năm 2010 chỉ là 33,81 triệu bao.

Do thị trường cà phê quá nóng và đầy rủi ro, nhiều doanh nghiệp trong nước và nhà nhập khẩu nước ngoài không thể chấp nhận giá 41 triệu đồng/tấn, họ đã mở kho cho gởi hàng và chỉ mua bán với mức chênh lệch thấp hơn giá sàn kỳ hạn. Nghĩ giá còn tăng, nhiều người đã đưa hàng vào gởi kho và nhận tiền ứng trước, rồi lại dùng tiền ứng mua thêm hàng nhồi vào gởi kho. Có một nhóm khác do không mua được hàng thực vì lỗ, chuyển sang mua hàng giấy trên mạng. Tất cả đều là hình thức đặt cược giá lên mà không lường trước rủi ro khi giá xuống.

Giá cà phê robusta tại London (Đơn vị tính: USD/tấn)

Kỳ hạn
Giá Giá cà phê
Thay đổi
% thay đổi
01/15
1941
-32
-1,65 %
03/15
1970
-28
-1,42 %
05/15
1997
-30
-1,5 %
07/15
2021
-30
-1,48 %

Giá cà phê arabica tại NewYork (Đơn vị tính: Cent/lb)

Kỳ hạn
Giá Giá cà phê
Thay đổi
% thay đổi
03/15
171
-5,65
-3,3 %
05/15
173,65
-5,65
-3,25 %
07/15
176,1
-5,6
-3,18 %
09/15
178,1
-5,65
-3,17 %
Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet/Giacaphe.com