Vụ vải năm 2021, ước tính toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 28 nghìn ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn. Bắc Giang có 2 vùng trồng vải lớn gồm Lục Ngạn và Tân Uyên. Trong đó, riêng huyện Lục Ngạn có hơn 15,4 nghìn ha, ước sản lượng vải toàn huyện vụ này đạt khoảng 120 nghìn tấn.
Đón thương nhân nước ngoài bằng xe chuyên dụng
Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19 tại Bắc Giang, nhiều lo ngại sẽ ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ vụ vải năm nay. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang với PV Infonet, ngay từ đầu, Bắc Giang chủ động lên kế hoạch để đảm bảo công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều của tỉnh an toàn và đạt kết quả tốt.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Trần Quang Tấn, để việc tiêu thụ vải năm nay đạt kết quả cao, Bắc Giang đã ban hành 2 kế hoạch. Kế hoạch thứ nhất là bảo đảm vải sạch không ảnh hưởng do dịch Covid-19 và 2 là kế hoạch tiêu thụ vải trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Theo đó, để đảm bảo vải không ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bắc Giang đã xây dựng và chỉ đạo vùng sản xuất vải thiều phải sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là không bị tác động bởi dịch Covid-19. Đây là yếu tố quan trọng trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ông Tấn khẳng định: “Giải pháp để chúng tôi thực hiện triệt để là đối với những người cư trú ở vùng vải hay công nhân ở các khu công nghiệp nếu trở về từ vùng dịch cũng như các đối tượng F1 sẽ được đưa về khu cách ly riêng, không có mặt ở vùng vải.
Đối với người dân trong vùng trồng vải, chúng tôi tuyên truyền, vận động để họ không ra khỏi địa bàn, tập trung sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều để bảo vệ vùng vải an toàn.
Với người vãng lai, các thương lái đến thu mua vải, Bắc Giang lên phương án lập các tổ, đội kiểm soát người và phương tiện vào vùng vải để bảo đảm tất cả các yếu tố phòng dịch như khai báo y tế, khai báo lịch trình, phun độc khử trùng, đặc biệt là thực hiện theo 5K của Bộ Y tế.
Đặc biệt là kiểm tra tất cả các vùng trồng vải. Kiểm soát chặt chẽ các chủ vườn trồng vải và cơ sở đóng gói, sơ chế, vận chuyển… để bảo đảm vùng trồng vải an toàn, không bị tác động bởi Covid-19”.
Cụ thể tại huyện Lục Ngạn và Tân Yên hiện đã thành lập 14 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trực 24/24 giờ tại các tuyến đường chính vào vùng sản xuất vải thiều, hoạt động từ nay đến khi vụ vải thiều 2021 thu hoạch xong.
Các chốt này có nhiệm vụ kiểm tra y tế đối với người, phương tiện ra vào địa bàn huyện Lục Ngạn và vùng vải thiều an toàn của huyện Tân Yên như khai báo y tế, lịch trình di chuyển, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19;
Đồng thời bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông; xử lý và đề xuất xử lý các trường hợp không chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật.
Đối với các thương nhân nước ngoài về Bắc Giang thu mua vải, trong đó có 190 thương nhân Trung Quốc, tỉnh đã lên kế hoạch dùng xe chuyên dụng riêng có lực lượng y tế lên tận cửa khẩu đón về vùng cách ly …. Hiện nay đã bố trí 8 điểm để cách ly với số lượng khoảng 400 người, vượt gấp đôi so với số lượng người đăng ký nhằm bảo đảm đủ cơ sở cách ly cũng như an toàn dịch bệnh.
Bắc Giang tiêu thụ vải thiều mùa dịch: Xe chuyên dụng đón thương nhân, đưa vải lên sàn online - Ảnh 1.
Do thời tiết thuận lợi nên vải thiều năm nay rất tốt, chất lượng vải đạt được cao nhất từ trước đến nay.
Xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản vải
Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, do thời tiết thuận lợi nên vải thiều năm nay rất tốt, chất lượng vải đạt được cao nhất từ trước đến nay. Chất lượng cao nhất cộng với việc kiểm soát sạch, không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hy vọng vải thiều năm nay sẽ tiêu thụ tốt hơn.
Việc xúc tiến đưa vải ra thị trường nước ngoài hiện vẫn được tiến hành. Đối với thị trường Nhật Bản, Bắc Giang đang tiến hành giám sát chặt chẽ cơ sở sơ chế, bảo quản và xông hơi khử trùng vải của Nhật đặt tại huyện Lục Ngạn và hiện đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục giám sát.
Từ ngày 20-25/5, sẽ tiến hành xông hơi khử trùng lô vải để bảo đảm tất cả các yếu tố an toàn về dịch bệnh, sau đó sẽ tổ chức chuyến xuất hành vải thiều đầu tiên của huyện Tân Yên sang Nhật Bản, dự kiến vào ngày 26/5 tới.
Ngoài Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang cũng đã liên hệ gần 30 thị trường ở nước ngoài để tiếp tục khơi thông.
Song song với xuất khẩu vải, để chủ động với tình huống dịch bệnh diễn ra xấu, tại các vùng vải cũng đã đầu tư cơ sở chế biến, lò sấy và bảo quản. Hiện trên địa bàn huyện Lục Ngạn có 3 đơn vị đã đầu tư dây chuyền bảo quản vải thiều công suất từ 10-20 tấn/ngày, khoảng 600 tấn/vụ, thời gian bảo quản tối đa từ 15-30 ngày.
Lập kênh bán vải hiện đại
Việc đưa quả vải lên sàn thương mại điện tử đã được tỉnh triển khai những năm trước, tuy nhiên theo ông Tấn, năm nay Bắc Giang đã có văn bản gửi lên Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đề nghị hỗ trợ bán hàng trên nền tảng online. Hiện tại Bắc Giang đã hướng dẫn và tập huấn cho 1 cơ sở của huyện Lục Ngạn, đó là Công ty TNHH Hùng Thảo để tham gia 1 gian hàng trên sàn thương mại Alibaba.
Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật và các điều kiện khác để thực hiện giao dịch điện tử. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã liên hệ với các sàn khác như Vỏ sò, Sen đỏ… để tối đa hóa các sàn giao dịch điện tử hiện có trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài.
Việc đưa gian hàng lên sàn thương mại điện tử không chỉ thực hiện trong thời điểm dịch Covid-19 này mà còn để làm tiền đề cho những năm tiếp theo để phát triển kênh bán hàng hiện đại.
“Tôi khẳng định là chất lượng vài thiều tốt nhất từ trước đến nay, cộng với việc bảo đảm an toàn thực phẩm, dịch bệnh, chúng tôi kỳ vọng vụ vải năm nay được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận tích cực", Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang nói.
Vải thiều Bắc Giang, Hải Dương sẽ được bán tại 2.500 siêu thị của Vinmart, Vinmart+
Nguồn:Hải Yến / Infonet