Chỉ số giá ngũ cốc thế giới tháng 11/2023 đạt trung bình 121 điểm, giảm 3,7 điểm (3%) so với tháng 10/2023 và giảm tới 29,1 điểm (19,4%) so với tháng 11/2022. Giá ngũ cốc thô thế giới giảm nhiều nhất, giảm 5,6% so với tháng 10/2023 chủ yếu là do giá ngô thế giới giảm mạnh, do lượng bán ra của Achentina tăng và do nguồn cung của Mỹ tăng. Trong số các loại ngũ cốc thô khác, giá lúa mạch thế giới giảm, trong khi giá hạt bo bo tăng nhẹ. Giá lúa mì cũng giảm 2,4% trong tháng 11, chủ yếu do nguồn cung ở Achentina và Australia tăng, và tiến độ thu hoạch từ Liên bang Nga tăng. Trong khi đó, Chỉ số giá gạo thế giới tháng 11/2023 vẫn ổn định so với tháng 10/2023 trong bối cảnh biến động giá trái ngược giữa các thị trường.
Chỉ số giá dầu thực vật thế giới tháng 11/2023 đạt trung bình 124,1 điểm, tăng 4,1 điểm (3,4%) so với tháng 10/2023 sau khi giảm ba tháng liên tiếp. Giá tăng do giá dầu cọ và dầu hướng dương tăng, bù đắp cho giá dầu đậu tương và dầu hạt cải giảm. Giá dầu cọ thế giới tháng 11/2023 tăng 6%, do nhu cầu của các nước nhập khẩu hàng đầu tăng và sản lượng ở các nước sản xuất lớn sụt giảm. Giá dầu hướng dương cũng tăng nhẹ, do nhu cầu nhập khẩu tiếp tục ổn định. Ngược lại, giá dầu đậu tương giảm nhẹ do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu yếu, mặc dù sản lượng đậu tương ở Brazil giảm, trong khi nguồn cung dầu hạt cải thế giới tăng khiến giá dầu hạt cải giảm.
Chỉ số giá sữa thế giới tháng 11/2023 đạt trung bình 114,2 điểm, tăng 2,5 điểm (2,2%) so với tháng 10, đánh dấu mức tăng hàng tháng thứ hai liên tiếp, nhưng vẫn giảm 23,2 điểm (16,9%) so với tháng 11/2022. Trong tháng 11, giá bơ và sữa bột gầy tăng, do nhu cầu nhập khẩu cao từ các nước ở Đông Bắc Á, và do hàng tồn kho ở Tây Âu giảm và nhu cầu nội địa tăng trước kỳ nghỉ đông ở Tây Âu. Tuy nhiên, các yếu tố tương tự đã tăng giá sữa bột nguyên kem, nhưng nhu cầu từ châu Á liên tục giảm, cùng với hoạt động sản xuất ở Australia ổn định đã hạn chế mức tăng so với tháng trước. Sự suy yếu của đồng đô la Mỹ so với đồng euro cũng góp phần đẩy giá sữa thế giới tăng. Ngược lại, giá phô mai thế giới tiếp tục có xu hướng giảm do nguồn cung sẵn có có thể xuất khẩu cao, đặc biệt là phô mai cheddar, bất chấp nguồn cung sữa khan hiếm theo mùa ở Tây Âu.
Chỉ số giá thịt thế giới tháng 11/2023 đạt trung bình 111,8 điểm, giảm nhẹ (0,4%) so với tháng 10, do sự giảm nhẹ của giá thịt gia cầm, thịt lợn và thịt bò, giảm 2,8 điểm (2,4%) so với tháng 11/2022. Giá thịt gia cầm giảm do nguồn cung tăng cao, chủ yếu từ Brazil, bất chấp những thách thức do dịch cúm gia cầm bùng phát ở nhiều quốc gia. Giá thịt lợn giảm do nhu cầu nhập khẩu ở các thị trường châu Á trì trệ và nguồn cung cho xuất khẩu dồi dào ở một số nhà xuất khẩu, bất chấp doanh số bán hàng nội địa ở châu Âu tăng đột biến trước kỳ nghỉ đông. Trong khi đó, nguồn cung xuất khẩu dồi dào từ Brazil và Châu Đại Dương đã gây áp lực lên giá thịt bò thế giới. Ngược lại, giá thịt cừu tăng nhẹ, chủ yếu do tác động của biến động tiền tệ.
Chỉ số giá đường thế giới tháng 11/2023 đạt trung bình 161,4 điểm, tăng 2,2 điểm (1,4%) so với tháng 10 và tăng 47 điểm (41,1%) so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tăng trong tháng 11 chủ yếu liên quan đến mối lo ngại ngày càng tăng về nguồn cung xuất khẩu toàn cầu trong niên vụ hiện tại trong bối cảnh triển vọng sản xuất xấu đi ở hai nước xuất khẩu hàng đầu là Thái Lan và Ấn Độ do điều kiện thời tiết khô hạn liên quan đến hiện tượng El Niño. Ngoài ra, sự chậm trễ vận chuyển từ Brazil, cùng với việc đồng Real Brazil tăng giá so với đồng đô la Mỹ, đã góp phần làm giá đường thế giới tăng chung. Tuy nhiên, tốc độ sản xuất mạnh mẽ ở Brazil và giá dầu thô quốc tế thấp hơn đã hạn chế mức tăng giá hàng tháng.
Nguồn:Vinanet/VITIC/FAO