menu search
Đóng menu
Đóng

Indonesia đánh thuế đồ uống có đường từ nửa cuối năm 2025

07:10 15/01/2025

 
Theo Bộ Tài chính Indonesia, chính phủ có kế hoạch áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường bắt đầu từ nửa cuối năm 2025.
Chính phủ đã đưa kế hoạch triển khai vào Ngân sách nhà nước năm nay. Ông Nirwala Dwi Heryanto, người phát ngôn của Tổng cục Hải quan và thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc Bộ Tài chính Indonesia ngày 13/1 cho biết, quy định này dự kiến có hiệu lực vào nửa cuối năm 2025.
Theo ngân sách nhà nước năm 2025, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu thu 3.080 tỷ rupiah (190,3 triệu USD) từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, thấp hơn nhiều so với mức 4.300 tỷ rupiah năm 2024.
Ông Nirwala cho biết thêm, chính phủ sẽ đưa ra quy định để xác định phạm vi và ngưỡng thuế. Những loại đồ uống có hàm lượng đường dưới mức nhất định sẽ được miễn thuế. Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ áp dụng cho cả đồ uống có đường do nhà máy sản xuất và bán tại cửa hàng, bao gồm cả đồ uống từ các quán cà phê và cửa hàng trà sữa trân châu.
Chính sách này được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng tiêu thụ đường quá mức trong dân số, điều mà các chuyên gia y tế cho rằng có liên quan đến sự gia tăng mạnh các trường hợp mắc bệnh tiểu đường.
Khảo sát sức khỏe Indonesia năm 2023 (SKI) do Bộ Y tế Indonesia công bố gần đây cho thấy khoảng 11,7% trong số hơn 270 triệu dân Indonesia mắc bệnh tiểu đường. Các chuyên gia cho rằng tình trạng gia tăng bệnh tiểu đường ở Indonesia là do xã hội ngày càng chuyển sang lối sống ít vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh, bao gồm cả việc ngày càng ưa chuộng đồ uống có đường.
Theo dữ liệu của Trung tâm Sáng kiến Phát triển Chiến lược Indonesia (CISDI), trong hai thập kỷ qua, lượng tiêu thụ đồ uống có đường hàng năm của quốc gia này đã tăng gấp 15 lần, từ 51 triệu lít vào năm 1996 lên 780 triệu lít vào năm 2014. Sự gia tăng như vậy đã đưa Indonesia trở thành quốc gia tiêu thụ đồ uống có đường cao thứ 3 ở Đông Nam Á.
Việc thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường đã bị trì hoãn nhiều lần kể từ khi Bộ Tài chính lần đầu đề xuất vào năm 2009, nhưng tiến độ bị đình trệ chủ yếu do sự phản đối của các doanh nghiệp, cho rằng thuế này có thể làm gia tăng lạm phát và gây tổn hại cho ngành. Bộ Tài chính đã nhiều lần khẳng định sẽ cân nhắc tình hình kinh tế hiện tại khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Giám đốc kinh tế số tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật (Celios), Nailul Huda, đã đề xuất triển khai thuế theo giá trị lũy tiến, được tính dựa trên giá trị của giao dịch, gắn với hàm lượng đường, để tăng doanh thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt, tức là mức đường trong sản phẩm càng cao thì thuế áp dụng cho người sản xuất càng cao.

Nguồn:Đào Trang (P/v TTXVN tại Jakarta)/BNEWS

Link gốc