menu search
Đóng menu
Đóng

Khó xuất khẩu sang Trung Quốc, rau quả chuyển sang Hoa Kỳ, Nhật Bản

10:00 04/07/2022

Từ đầu năm tới nay, xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường chính là Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh. Tín hiệu đáng mừng là cơ cấu chuyển dịch xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường "khó tính" như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản rất rõ nét.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 5/2022 đạt 258,4 triệu USD, giảm 23,3% so với tháng 5/2021. Trong 5 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 1,43 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường chính là Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2022, đạt 722,2 triệu USD, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đánh giá vừa đưa ra, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: đây là yếu tố chính làm giảm trị giá xuất khẩu chung của ngành hàng rau quả trong 5 tháng đầu năm 2022, bởi trị giá xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 50,6% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam.
Tín hiệu đáng mừng được Cục Xuất nhập khẩu đề cập tới trong “bức tranh” xuất khẩu rau quả của Việt Nam là cơ cấu chuyển dịch xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường “khó tính” như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản rất rõ nét.
Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Hoa Kỳ chiếm 7,6%, tăng 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021; Hàn Quốc chiếm 3,8%, tăng 1,6 điểm phần trăm và Nhật Bản chiếm 3,7%, tăng 1,1 điểm phần trăm.
“Đây đều là các thị trường có tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng rau quả. Vì vậy, xuất khẩu hàng rau quả được vào các thị trường này ngành hàng rau quả của Việt Nam có kỳ vọng xuất khẩu sang nhiều thị trường khác, làm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.
Riêng đối với thị trường Hoa Kỳ, theo Cục Xuất nhập khẩu, tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam rất lớn với hơn 330 triệu người, thu nhập đầu người cao và xu hướng ngày càng chú trọng tới thành phần rau quả.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nước này có nhu cầu tiêu thụ trái cây lớn với mức tiêu thụ 12 triệu tấn/năm. Sản xuất trái cây tươi tại thị trường nội địa chỉ đáp ứng 70% nhu cầu, còn lại 30% (tương đương 3,6 triệu tấn) phải nhập khẩu. Đây sẽ là dư địa lớn để cho ngành hàng trái cây của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thông tin, trái cây của Việt Nam phải đáp ứng 3 tiêu chuẩn chính là: vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được phía Hoa Kỳ ủy quyền cho Bộ NN&PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Hoa Kỳ cấp mã số; sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.
Bên cạnh các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ở khía cạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu rau quả, ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tentamus cho rằng, trong bối cảnh công tác sản xuất tại vùng nguyên liệu của Việt Nam hiện đã được triển khai khá tốt, nhiều thị trường ở châu Âu rất tiềm năng với nông sản Việt, không thua kém thị trường Trung Quốc nếu sản phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn đặt ra.
“Điều quan trọng là Việt Nam cần hiểu được bản chất và yêu cầu của thị trường. Các đối tác châu Âu sẽ sẵn sàng hỗ trợ”, đại diện Tập đoàn Tentamus khẳng định.
Dù có sự chuyển dịch xuất khẩu đáng kể, song nhìn nhận tình hình xuất khẩu rau quả nửa cuối năm nay cũng như thời gian xa hơn, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng với rau quả Việt Nam. Trung Quốc có khả năng gỡ bỏ chính sách “Zero Covid” trong thời gian từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023.
“Thời gian tới, nếu Trung Quốc không còn duy trì chính sách “Zero Covid”, Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh rất tốt ngay cả với các nước trong khu vực. Để gia tăng thị phần tại thị trường này, các mặt hàng của Việt Nam cần cải thiện chất lượng”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
 

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc