menu search
Đóng menu
Đóng

Ngành cà phê: Cần khoả lấp những khoảng trống để phát triển bền vững

17:06 10/04/2024

Cà phê Tây Nguyên

Theo thống kê từ trang Investopedia, thế giới có hơn 50 quốc gia sản xuất cà phê, nhưng sản lượng cà phê toàn cầu chủ yếu đến từ các nhà sản xuất lớn như Brazil, Việt Nam, Colombia…
Hiện nay, Việt Nam là nước sản xuất robusta (hay còn gọi là cà phê vối – một loại cà phê có hàm lượng cafein chiếm từ 3% - 4% ở hạt, cao hơn nhiều so với loại arabica chỉ chiếm từ 1% - 2%) đứng đầu thế giới và giữ vững vị trí xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. Một số doanh nghiệp xuất khẩu nhận định, cà phê Việt đang có vị thế khá vững chắc trên thị trường thế giới, bởi tập trung chủ yếu vào loại robusta có hương vị đậm đà mà giá lại phải chăng hơn.
Dù hiện tại, nguồn cung trong nước có thiếu hụt do thời tiết khắc nghiệt, nhưng cà phê của Việt Nam vẫn được các nhà rang xay nước ngoài chờ đợi, thay vì tìm kiếm nguồn cung mới.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện tượng thời tiết El Nino đã gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu. Biến đổi khí hậu là mối lo ngại đối với ngành cà phê trị giá hàng tỷ USD này. Nguồn cung sụt giảm là lý do chính đẩy giá tăng vọt. Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị, căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ khiến cước vận chuyển cùng nhiều chi phí tăng. Nhiều nhà đầu tư tài chính cũng chọn cà phê để đầu cơ, khiến giá nông sản này thêm đắt đỏ.
Tại các khu vực trồng trọng điểm Tây Nguyên, giá cà phê đang ở quanh mốc 105.000 đồng/kg (ngày 10/4/2024), mức cao nhất trong hơn 30 năm qua. Như vậy, giá đã tăng hơn gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2023 và tăng khoảng 50% so với cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Hải Nam – Chủ tịch Vicofa cho biết, giá cà phê chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian tới, do đó, doanh nghiệp cần tiếp tục theo sát diễn biến thị trường để cân đối nguồn hàng và đưa ra chiến lược kinh doanh hợp lý.
Dưới đây là diễn biến giá cà phê tại khu vực trồng trọng điểm Tây Nguyên từ đầu năm 2023 đến tháng 4/2024:
Phạm Hiền Hoà tổng hợp
Nguồn cung thắt chặt không chỉ tác động đến giá cà phê trong nước mà còn tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam đã xuất khẩu 799 nghìn tấn cà phê, thu về 1,9 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2024, tăng mạnh 44,45% về lượng và tăng 54,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, chỉ sau 3 tháng, kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta đã được ghi nhận mức kỷ lục khi gần cán mốc 2 tỷ USD. Với đà tăng trưởng này, xuất khẩu cà phê trong cả năm 2024 được kỳ vọng sẽ đạt mức 5 tỷ USD.
Giá xuất khẩu đã tăng kỷ lục, tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá, xuất khẩu cà phê Việt Nam hiện nay vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng về giá trị và chưa bền vững, do còn tồn tại nhiều “khoảng trống”, trong đó đặc biệt là yếu tố về thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu, công tác xúc tiến thương mại, marketing… để nâng tầm giá trị cho cà phê là rất cần thiết, và có tầm quan trọng không kém việc mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng chế biến. Cà phê có thương hiệu được nhận định sẽ giúp nâng cấp giá trị cho hạt cà phê lên gấp nhiều lần. Và biết đâu khi đó, doanh số xuất khẩu lên mức “hàng trăm tỷ đô” là điều mà ngành cà phê Việt Nam có thể đạt được.

Nguồn:Vinanet/VITIC