menu search
Đóng menu
Đóng

Ngành tôm có thể phục từ quý III nhờ nhu cầu tăng trong khi nguồn cung thiếu hụt?

09:20 27/06/2023

Tình hình tôm nguyên liệu cuối năm được dự báo sẽ thiếu. Các công ty xuất khẩu sẽ có cơ hội giảm bán ở hàng tồn kho khi nhu cầu tiêu thụ vào mùa lễ hội cao điểm cuối năm tăng cao.

Xuất hiện tín hiệu tích cực
Ngành thuỷ sản nói chung và tôm nói riêng đang bắt đầu đón những tín hiệu tích cực. Tốc độ suy giảm của hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại.
Theo số liệu Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng 5 giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 331 triệu USD. Tuy nhiên, tốc độ giảm này thấp hơn nhiều so với những tháng trước đó (từ 33% - 55%). Đồng thời, đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm đến nay.

Ngành tôm có thể phục từ quý III nhờ nhu cầu tăng trong khi nguồn cung thiếu hụt?

Số liệu: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)
Tại ĐHĐCĐ 2023, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho rằng thị trường tháng 8 trở đi thị trường sẽ tốt lên khi nguồn cung tôm nguyên liệu tại các nước xuất khẩu lớn là Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam đều giảm mạnh. Trong khi đó, nhu cầu trên thế giới dần phục hồi.
“Theo thông tin tôi nắm được Ấn Độ đang treo ao khoảng 30 - 50%. Ngoài ra Ecuador đang chịu ảnh hưởng bởi El Nino khiến hoạt động nuôi tôm không hiệu quả, tôm chết nhiều, ước tính thiệt hại 30%. Tại Việt Nam, do giá tôm thấp nên nhiều người treo ao, sản lượng giảm 30 - 50%. Do đó, tình hình tôm nguyên liệu cuối năm sẽ thiếu. Các đơn vị sẽ có cơ hội giảm bán ở hàng tồn kho khi nhu cầu tiêu thụ vào mùa lễ hội cao điểm cuối năm tăng cao”, ông Quang nói.
Trang Undercurrent News dẫn lời ông Jim Gulkin, Giám đốc điều hành của công ty thương mại thủy sản Siam Canadian, thời điểm hiện tại, các nhà nhập khẩu bắt đầu mua hàng trở lại. Vì vậy, mọi thứ sẽ bắt đầu tốt lên trong vài tháng tới; có thể sớm nhất và vào tháng 6 hoặc muộn nhất là 8.
Với tình hình hiện tại, sự cải thiện mạnh mẽ trong nhu cầu ở thị trường Mỹ sẽ được các nhà chế biến và nông dân trên khắp Nam Á và Đông Nam Á chờ đợi.
“Khi một nhà bán lẻ bắt đầu nhập hàng, các nhà nhập khẩu khác, bán buôn, nhà phân phối,…khác cũng sẽ nhảy vào cuộc chơi, kéo theo giá sẽ tăng mạnh”, ông nói.
Nhu cầu sẽ cải thiện ở hầu hết phân khúc sản phẩm tôm, đặc biệt là các dòng sản phẩm chế biến. Theo ông, Mỹ sẽ tích cực mua các sản phẩm tôm đã nấu chín, còn đuôi, khoanh tròn, bóc vỏ dễ dàng, bóc vỏ còn đuôi, bỏ đuôi.
Trong khi đó, Ecuador không mạnh trong việc sản xuất những sản phẩm tôm có nhiều giá trị gia tăng và họ cũng chưa thể sớm chuyển sang sản xuất những mặt hàng này được.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn tôm thẻ chân trắng lớn nhất của Việt Nam. Với mặt hàng tôm sú, thị trường này đứng thứ ba.

Số liệu: VASEP (H.Mĩ tổng hợp)
Hiện tại, giá tôm nguyên liệu trong nước đã có dấu hiệu tạo đáy. Tính đến ngày 24/6, giá tôm thẻ chân trắng trung bình ở mức 87,2 đồng/kg, tăng 4% so với đáy gần 1 năm thiết lập hôm 24/5, theo dữ liệu từ CTCP WiGroup.

Diễn biến giá tôm thẻ chân trắng từ tháng 7/2021 đến 24/6/2023 (Nguồn:CTCP WiGroup)
Việc giá tôm nguyên liệu bắt đầu tăng từ tháng 6 được xem là dấu hiệu tích cực. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), 2 tháng qua việc thả tôm nuôi bị giảm sụt khá lớn, hậu quả là từ tháng 6 này lượng tôm thương phẩm trên thị trường không nhiều, trong khi các năm qua tháng 6 là lúc thu hoạch cao điểm.
“Và cái kết có chút an ủi là giá cả mua vào của các doanh nghiệp chế biến như là đã chạm đáy và có xu hướng phục hồi theo quy luật cung cầu, dù mức giá tăng có phần chậm rãi! Nhưng có tăng còn hơn không”, ông Lực nhận định.
Theo ông thực tế thời gian qua, nếu doanh nghiệp đủ vốn lưu động có thể kìm phần nào đà giảm giá bán. Nhưng thực tế không được như vậy , các doanh nghiệp đa phần phải sống dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng.
Các doanh nghiệp có vốn nhà khỏe hơn, muốn bán được hàng, phải hòa mình vào vòng xoáy giảm giá bán, nếu không, phải thu hẹp hoạt động. Chỉ những đơn hàng cung cấp các hệ thống cao cấp thì giá bán còn khá hơn. Nhưng chiều ngược lại, các doanh nghiệp phải đạt những chuẩn mực do bên hệ thống tiêu thụ đưa ra.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm trên thế giới nhận định tồn kho của Mỹ đang có xu hướng giảm dần và nhu cầu sẽ sớm phục phục hồi.
Chưa thể kỳ vọng vào kết quả quý II
Mặc dù tình hình ngành tôm được kỳ vọng sẽ có nhiều biến chuyển trong những tháng cuối năm, nhưng trong quý II, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa cải thiện.
Trong tháng 5, doanh số tiêu thụ chung của Sao Ta đạt gần 11 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 22% so với tháng 4. Đây cũng mức đáy kể từ ít nhất năm tháng 1/2022. Trong đó, lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 948 tấn, bằng 61% so cùng kỳ năm trước.

Số liệu: Sao Ta (H.Mĩ tổng hợp)
Hiện, công ty đã hoàn tất thu hoạch tôm ở khu nuôi cũ 320 ha. Chuẩn bị thả nuôi khu mới có diện tích hơn 200 ha.
Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định rằng quý II sẽ là thời điểm doanh thu xuất khẩu tôm của Sao Ta chạm đáy do sức cầu yếu. Song, sự phục hồi sẽ diễn ra vào nửa cuối năm khi nhu cầu thực phẩm cho mùa lễ hội gia tăng.
Còn với Minh Phú, dự kiến trong quý II, tình hình kinh doanh vẫn chưa khởi sắc do tình hình nuôi tôm vẫn còn gặp khó khăn và vẫn chịu hậu quả của bệnh dịch bệnh vi bào trùng tử (EHP) kéo dài từ quý I.
Theo đó, Minh Phú Lộc An vẫn chưa khắc phục được dịch bệnh EHP trong khi đó, Minh Phú Kiên Giang mới thả giống từ giữa quý II và dự kiến sang quý III mới thu hoạch.
“Kết quả kinh doanh của quý II vẫn chưa khả quan. Tuy nhiên, dự kiến quý III, IV trở đi, thị trường sẽ tốt hơn, Minh Phú sẽ đẩy nhanh hàng tồn kho và lợi nhuận sẽ phục hồi”, ông Quang nhận định.
Quý I năm nay, Minh Phú ghi nhận doanh thuần 2.123 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Lãi ròng âm 97 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt 90 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên công ty báo lỗ kể từ khi giao dịch trên UPCoM (tháng 9/2017).

Số liệu: BCTC Minh Phú (H.Mĩ tổng hợp)
Ông Quang lý giải trong quý I công ty đã có hợp đồng tuy nhiên, do kho của khách hàng đầy nên họ để nghị khi nào tồn kho giảm mới chuyển hàng sang. Ngoài ra, hoạt động nuôi tôm thất bại, lỗ nặng do dịch bệnh EHP.
“Chúng tôi sẽ xem xét thông tin đến cổ đông về tình hình tiêu thụ trong tháng 8. Nếu tháng 8 năm nay tình hình tiêu thụ mạnh lên thì cả năm 2023 sẽ khả quan và ngược lại”, ông Quang nói.
Năm nay, Minh Phú đặt mục tiêu 12.790 tỷ đồng doanh thu, 639 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 22%, 23% so với cùng kỳ. Mức chia cổ tức năm 2023 dự kiến 50 – 70% lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Nguồn:vietnambiz

Link gốc