Ông Chookiat Ophaswongse - Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết sản lượng gạo thành phẩm có thể lên tới 20 triệu tấn trong niên vụ 2021/22, tăng mạnh so với mức 16,5 – 17 triệu tấn trong niên vụ 2020/2, và đồng Bạt giảm tới 13% so với đồng USD trong cả năm 2021 đã giúp hạ giá gạo xuất khẩu, qua đó nâng khả năng cạnh tranh của gạo Thái so với các đối thủ khác. Ngoài ra, giá gạo cũng bị tác động bởi tình trạng thiếu container vận chuyển. Giá gạo trắng Thái Lan 5% tấm hiện khoảng 400 USD/tấn (tương đương 13.300 Bạt/tấn), thấp hơn 120 USD/tấn so với hồi đầu năm và 2.700 Bạt/tấn so với năm 2020. Mỗi lần đồng Bạt tăng lên sẽ khiến giá gạo Thái đắt thêm 16 USD/tấn.
Phản ứng trước những chỉ trích về giá gạo giảm, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit cho biết giá gạo trước đây giảm chủ yếu do phần lớn lượng gạo trong kho không thể xuất khẩu khi đồng Bạt mạnh. Tuy nhiên, tình hình đang được cải thiện khi đồng baht đang giảm giá khiến giá xuất khẩu gạo giảm. Bộ Thương mại đang lên các phương án giúp các nhà máy xay xát hoặc các HTX nông nghiệp duy trì nguồn cung gạo khi giá thấp bằng cách hỗ trợ 1.500 Bạt/tấn.
Nền kinh tế kỹ thuật số của Thái Lan đang tăng trưởng vượt bậc
Theo báo cáo thường niên e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek và Bain & Company thì nền kinh tế kỹ thuật số của Thái Lan ước tính đạt 30 tỷ usd năm 2021, tăng 51% so với năm 2020 và dự báo đạt 57 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 20% giai đoạn 2020 - 2025.
Theo Sea Thái Lan – đơn vị trực thuộc công ty internet Sea có trụ sở tại Singapore, kinh tế kỹ thuật số của Thái Lan đang phát triển theo cấp số nhân, đặc biệt là trong phân khúc trò chơi, thương mại điện tử và tiền điện tử. Lĩnh vực này thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Theo thống kê, cả năm 2020 có 107 thương vụ đầu tư vào lĩnh vực này của Thái Lan với tổng trị giá 534 triệu USD; 6 tháng đầu năm 2021, 59 dự án đầu tư trị giá 200 triệu USD đã được ký kết.
Thái Lan xây dựng chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu trái cây năm 2022
Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế (DITP) mới đây công bố chiến lược thúc đẩy xuất khẩu trái cây trong năm 2022 gồm 63 sự kiện cả trong và ngoài nước, bao gồm các chương trình xúc tiến tiêu thụ trái cây; kết nối kinh doanh trực tuyến, hoạt động quảng bá trái cây Thái Lan tại các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế; sản xuất các ấn phẩm truyền thông cho trái cây Thái Lan bằng 5 thứ tiếng (Anh, Thái, Trung, Nhật, Hàn); đào tạo nông dân kinh doanh trực tuyến, và thành lập các đội bán hàng cho trái cây địa phương. Dự kiến các hoạt động trong nước mang lại doanh thu khoảng 2,4 tỷ Bạt.
Hoạt động xúc tiến bán trái cây ra nước ngoài gồm dự án Tháng vàng trái cây Thái Lan tại 12 thành phố Thượng Hải, Nam Kinh, Thanh Đảo, Đại Liên, Nam Ninh, Quý Dương, Thành Đô, Thâm Quyến, Tương Dương, Hạ Môn, Nam Xương và Côn Minh; dự án quảng bá thực phẩm Thái Lan với các nhà nhập khẩu và siêu thị ở Chicago; dự án quảng bá sản phẩm thực phẩm Thái Lan thông qua các kênh thương mại hiện đại khu vực Benelux (Bỉ, Hà Lan và Lucxembourg); dự án thúc đẩy thương mại với Hồng Kông; dự án thúc đẩy thương mại các sản phẩm trái cây và thực phẩm Thái Lan thông qua các kênh bán lẻ ở Đài Loan …
Kim ngạch thương mại giữa Thái Lan với các nước đã ký FTA tăng cao
Kim ngạch thương mại và xuất khẩu của Thái Lan với các đối tác đã có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đạt tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm 2021: tổng kim ngạch thương mại đạt 253,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 123,7 tỷ USD (+ 18%).
Xuất khẩu của Thái Lan sang tất cả các thị trường đều tăng, như Chile (+67%), New Zealand (+61%), Ấn Độ (+58%), Hàn Quốc (+41%), Peru (+40%), Trung Quốc (+27%), Nhật Bản (+14%), Úc (+10%) và Hồng Kông (+01%), Philippines (+39%), Malaysia (+37%), Lào (+20%), Việt Nam (+15%), Campuchia (+14%), Myanmar (+10%) và Indonesia (+6%).
So với cùng kỳ năm 2020, nông sản và thủy sản là những ngành hàng mà Thái Lan có sản lượng lớn và tiềm năng xuất khẩu cao, đồng thời là nhà xuất khẩu số 1 trong ASEAN với giá trị xuất khẩu đạt 14,8 tỷ USD (+33%), chiếm 75,3% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Thái Lan sang các thị trường FTA.
Nhóm mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm cao su, trái cây tươi và đông lạnh, các sản phẩm từ sắn, gia vị và thảo dược, rau tươi và đông lạnh, các sản phẩm nông nghiệp chế biến dạng khô và đông lạnh xuất khẩu… trị giá 8,8 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ 2020, chiếm 62,58% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản chế biến của Thái Lan sang các thị trường FTA.
Về nhóm hàng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan đạt 80,4 tỷ USD, tăng 16%, chiếm 58,72% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường FTA, gồm ô tô và phụ tùng, máy tính và thiết bị, sản phẩm cao su, hạt nhựa, hóa chất, thiết bị điện và đồ nội thất.
Thái Lan hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm 2022
Dự báo tăng trưởng xuất khẩu đạt 5% năm 2022, giảm so với mức dự báo 12% đưa ra trước đó do nhu cầu toàn cầu và sản xuất bình thường trở lại. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu bao gồm chi phí vận chuyển cao, thiếu hụt không gian vận chuyển, container, giá dầu và thép biến động, thiếu lực lượng lao động. Ngoài ra, Covid-19 cũng là yếu tố ảnh hưởng do số ca nhiễm tại Thái Lan vẫn duy trì ở mức cao. Nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực bao gồm thực phẩm, cao su, vải và đồ may mặc, ô-tô và phụ tùng, nhựa và hóa chất là nhóm sản phẩm xuất khẩu với triển vọng tăng trưởng cao trong năm 2022.
Theo thống kê của Bộ Thương mại Thái Lan, trong tháng 09/2021, kim ngạch xuất khẩu nước này tăng trưởng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 23 tỉ USD; nhập khẩu tăng 30,3% đạt 22,42 tỉ USD. Giá trị thặng dư thương mại đạt 609.8 triệu USD. Đây là tháng tăng trưởng thứ 7 liên tiếp kể từ tháng 03/2021. Trong 09 tháng đầu năm, xuất khẩu của Thái Lan tăng trưởng 15,5% đạt 199,9 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu tăng 30,9% đạt 197,9 tỉ USD. Giá trị thặng dư thương mại đạt 2,01 tỉ USD.
Trong môt diễn biến liên quan, nền kinh tế Thái Lan được dự báo tăng trưởng 5-6% trong năm 2022 nếu dịch Covid-19 được kiểm soát. Thái Lan đang nỗ lực mở cửa đất nước và đạt mục tiêu tiêm chùng 70% dân số vào cuối năm nay. Nền kinh tế cũng nhận được hỗ trợ trị giá 600 tỉ Bạt thông qua các chương trình đầu tư năm nay; Chính phủ kỳ vọng sẽ thu hút 1 triệu người nước ngoài lưu trú dài hạn với tổng mức chi tiêu đạt 1.000 tỉ Bạt.
Thái Lan theo dõi giá rau quả, hàng tiêu dùng
Bộ Thương mại Thái Lan tiến hành theo dõi giá rau quả và hàng tiêu dùng do giá tăng cao bởi lũ lụt, giá dầu và nguyên liệu tăng cao. Bộ Thương mại Thái Lan cũng đã tiến hành làm việc với các doanh nghiệp sản xuất nhằm ổn định giá sản phẩm, cung cấp 50 xe lưu động bán những sản phẩm giá rẻ tại khu vực Bangkok và các tỉnh thành lân cận.
Quyết định ban hành tình trạng nới lỏng giãn cách cũng kích thích người dân tăng cường mua sắm chi tiêu khiến nhu cầu rau quả và hàng tiêu dùng tăng mạnh. Theo đánh giá của Bộ Thương mại Thái Lan, tình trạng tăng giá rau quả là tạm thời và sẽ trở lại bình thường sớm.
Thái Lan hoàn tất thông qua RCEP
Thái Lan vừa hoàn tất thông qua Hiệp định RCEP lên Ban Thư ký ASEAN trước thời hạn tháng 11/2021 và cam kết các điều khoản Hiệp định sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm ngày 01/01/2021. Quốc hội Thái Lan trước đó đã thông qua Hiệp định vào ngày 09/02. Tính đến hết tháng 10/2021, 05 quốc gia ASEAN bao gồm Xing-ga-po, Brunei, Lào, Cam-pu-chia và Thái Lan đã phê chuẩn Hiệp định.
Hiệp định RCEP chiếm 30,3% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu đạt giá trị 10,7 nghìn tỉ USD. Thái Lan sẽ có 39.366 sản phẩm thuộc danh mục giảm thuế và 29.891 sản phẩm thuộc danh mục miễn thuế trong giai đoạn đầu. Phần còn lại sẽ theo lộ trình giảm thuế về 0 trong khoảng thời gian 10-20 năm.
Nông dân Thái Lan kêu gọi cố định giá gạo
Nguồn cung gạo dồi dào, đồng Bạt tăng giá và tình trạng thiếu hụt container kéo dài là những nguyên nhân khiến giá gạo Thái Lan giảm. Vì điều này, nông dân Thái Lan đã kêu gọi Chính phủ can thiệp nhằm cố định giá gạo. Sản lượng vụ mùa 2021/22 dự báo đạt 20 triệu tấn do nguồn nước tưới tiêu dồi dào so với vụ mùa 2020/21 với sản lượng chỉ đạt 16,5-17 triệu tấn.
Ngoài ra, đồng Bạt tăng giá tại thời điểm đầu năm và quý III cũng khiến giá gạo xuất khẩu tăng giá, giảm sywcs cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trước đó, đồng Bạt giảm 13% so với đồng USD khiến giá gạo giảm, tạo thuận lợi giúp tăng sức cạnh tranh. Giá gạo trắng 5% tấm được giao dịch 400 USD/ tấn so với mức giá 520 USD/ tấn đầu năm.
Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương