menu search
Đóng menu
Đóng

Nông sản Việt Nam từng bước vươn xa ra thị trường thế giới

16:59 23/01/2023

Để khai thác hết tiềm năng và gia tăng giá trị cho nông sản Việt, người nông dân và doanh nghiệp phải đồng lòng, liên kết chặt chẽ trong việc sản xuất bền vững và xây dựng thương hiệu cho nông sản.
 
Như đã đề cập trong bài ''Những dấu ấn mới trên thị trường nông sản thế giới'' của chùm 2 bài "Nông sản Việt Nam từng bước vươn xa ra thị trường thế giới," cánh cửa tiếp cận thị trường đã mở rộng đối với nhiều loại nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng và gia tăng giá trị cho nông sản Việt, người nông dân và doanh nghiệp phải đồng lòng, liên kết chặt chẽ trong việc sản xuất bền vững và xây dựng thương hiệu cho nông sản.
Tuân thủ là "chìa khóa vàng" của từng đối tác
Các thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam hiện nay như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản đều là những thị trường rất "khó tính," nếu không yêu cầu đàm phán, cũng đòi hỏi tiêu chuẩn rất khắt khe và có chế tài rất nặng với sản phẩm không đáp ứng được quy định. Chính vì vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu đều khuyến cáo, "chìa khóa" quan trọng nhất để khai thác hiệu quả, lâu dài các thị trường là tuân thủ các tiêu chuẩn mà đối tác đặt ra, đảm bảo sản xuất bền vững.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Chánh Thu, chia sẻ việc các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản mở cửa cho các loại trái cây Việt Nam mới chỉ là những bước đệm về cơ hội, không đồng nghĩa là trái bưởi nào cũng có thể xuất sang Mỹ hay trái sầu riêng nào cũng có thể xuất đi Trung Quốc.
Với trái sầu riêng Việt Nam, dù được thị trường Trung Quốc đánh gia cao nhưng cũng phải chịu áp lực cạnh tranh lớn với Thái Lan. Trong khi đó, trái bưởi vào thị trường Mỹ dù có tín hiệu tốt nhưng cũng chỉ mới tiếp cận được nhóm khách hàng nhỏ là người Việt sinh sống tại Mỹ mà chưa cung ứng được cho các chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ phục vụ người dân bản địa.
Theo bà Ngô Tường Vy, để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông sản bền vững đòi hỏi tất cả các đơn vị tham gia chuỗi liên kết từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nông dân đều phải chủ động thay đổi, tích cực vào cuộc thì mới có thể thành công. Trong đó, người nông dân cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để đạt các chứng nhận về sản xuất mà thị trường yêu cầu. Về phía doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần thận trọng trong việc lựa chọn sản phẩm, tập trung vào việc đảm bảo chất lượng từng lô hàng chứ không chạy theo số lượng khi chưa xây dựng được các vùng nguyên liệu.
"Nhu cầu của các thị trường mới mở cho trái cây Việt Nam còn rất lớn nhưng các vùng trồng trái cây của Việt Nam chủ yếu đang phân tán, rời rạc, chưa có sự liên kết để đạt được sự đồng đều về chất lượng cũng như duy trì sản lượng ổn định theo yêu cầu của các hệ thống phân phối. Để khắc phục tình trạng trên, chỉ một vài doanh nghiệp không thể làm được mà đòi hỏi ngành nông nghiệp và các địa phương phải có quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng loại cây trồng trên cơ sở đánh giá nhu cầu thị trường và phù hợp với chiến lược phát triển chung," bà Ngô Tường Vy nêu kiến nghị.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng cần đẩy nhanh công tác cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong sản xuất, sơ chế trái cây vì đây là quy định bắt buộc của nhiều nước nhập khẩu trên thế giới.
Tiến sỹ Phan Thị Thu Hiền, đại diện Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói còn là công cụ quản lý tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm; phục vụ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm cây trồng. Ngoài ra, việc cấp và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cũng thúc đẩy chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức sản xuất của người nông dân theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 5 Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với các mặt hàng nông sản gồm sầu riêng, chuối, chanh dây, khoai lang và tổ yến. Điều này mở ra cơ hội rộng lớn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới.
Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm thách thức khi thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt về chất lượng an toàn thực phẩm. Do đó, phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương sản xuất và Cục Bảo vệ thực vật để cấp và quản lý được mã số khoa học, minh bạch. Các doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu cũng phải công khai, minh bạch, không khai gian lận, mượn mã số vùng trồng để xuất khẩu... Nếu bị phát hiện thì hệ lụy rất lớn, thậm chí bị hủy tư cách xuất khẩu, khi đó không chỉ một doanh nghiệp chịu thiệt hại mà cả ngành hàng đó sẽ bị ảnh hưởng xấu về uy tín.
Liên kết để xây dựng thương hiệu
Tuân thủ các quy định là yêu cầu tối thiểu để nông sản có thể tiếp cận thị trường nhưng thương hiệu mới tạo nên giá trị và khẳng định vị thế nông sản của một quốc gia trên thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng thị trường tiêu thụ nông sản của nước ta đang ngày càng được mở rộng, tạo động lực cho ngành nông nghiệp phát triển. Nhưng muốn xây dựng được thương hiệu cho nông sản, doanh nghiệp cần xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả.
Hiện nay các hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp; trong đó có trái cây sản xuất ra khối lượng lớn nhưng lại không có đầu ra ổn định và giá trị sản phẩm không được cao, ngược lại các doanh nghiệp, nhà phân phối lại không biết mua sản phẩm ở đâu đảm bảo được chất lượng và số lượng.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, liên kết gồm liên kết ngang giữa các hợp tác xã, nông hộ cùng sản xuất một ngành hàng và liên kết dọc bao gồm các mắt xích trong một chuỗi sản xuất từ đầu vào đến đầu ra. Trong đó liên kết ngang giữa các hợp tác xã, nông hộ cùng sản xuất một mặt hàng nhằm hình thành quy mô sản xuất lớn, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, mang tính hàng hóa cao mà vẫn tiết kiệm chi phí.
Mục đích của liên kết ngang là củng cố vững chắc vị thế, lợi ích của các đối tượng tham gia và thống nhất trong ngành hàng đó. Còn liên kết dọc được thực hiện giữa các tổ chức, cá nhân trong một loạt các hoạt động sản xuất kinh doanh có quan hệ với nhau, từ cung cấp dịch vụ, vật tư đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến và cuối cùng là bán sản phẩm cho người tiêu dùng nhằm sản xuất, tiêu thụ nông sản có hiệu quả.
Với đặc điểm quản lý chuỗi từ đầu vào cho tới đầu ra theo quy trình khép kín, liên kết dọc giúp kiểm soát được chi phí, chất lượng sản phẩm tốt và đồng đều, ổn định được giá đầu ra và cân đối cung cầu. Đặc biệt, các thành viên tham gia trong liên kết dọc có cùng tiếng nói và trách nhiệm đến sản phẩm cuối cùng, do đó dễ dàng chia sẻ thông tin, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng.
Cùng quan điểm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc kết nối, liên kết giữa các vùng nguyên liệu với đầu mối chế biến và xuất khẩu hiện nay chưa thực sự căn cơ, chưa đi vào chiều sâu và chưa phát huy hết tiềm năng của các địa phương.
Do thiếu liên kết, các mắt xích trong chuỗi cung ứng bị thiếu thông tin của nhau. Người sản xuất không cập nhật được thông tin về diễn biến cũng như các phân tích và dự báo thị trường, trong khi người làm thương mại không làm chủ được nguồn cung ứng, chất lượng nên rất khó xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Theo bà Lý Kim Chi, trên thực tế nhiều vùng nguyên liệu cũng đã được hình thành, nhưng hạ tầng yếu kém, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng nên rất khó để xây dựng thương hiệu cho nông sản. Để thúc đẩy các hoạt động kết nối, liên kết đi vào chiều sâu, cần có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Liên kết các doanh nghiệp, ngành hàng thành "gian hàng Việt" tại các sự kiện xúc tiến thương mại, các hội chợ triển lãm nông sản quốc tế cũng là giải pháp được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đề xuất nhằm xây dựng hình ảnh, thương hiệu nông sản Việt Nam một cách chuyên nghiệp trong mắt người tiêu dùng thế giới./.

Nguồn:Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)

Link gốc