Xuất khẩu cà phê mang về hơn 4 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê ra thị trường thế giới trong năm 2022 với kim ngạch thu về hơn 4 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 32% về trị giá so với năm 2021.
Đây là khối lượng xuất khẩu cao nhất của ngành cà phê trong 4 năm qua và giá trị kim ngạch cao nhất từ trước tới nay.
Trong năm qua, xuất khẩu cà phê tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhu cầu phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19 và giá cà phê tăng cao trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thắt chặt do mất mùa và ách tắc chuỗi cung ứng tại một số nước sản xuất lớn như Brazil, Colombia. Mặt khác, sự gia tăng xuất khẩu cũng được hỗ trợ bởi nguồn cung container và tàu được cải thiện.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Về thị trường xuất khẩu, năm 2022 lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường chính có xu hướng tăng so với năm 2021 như Nga tăng 26,5%, Anh tăng gần 40%, đặc biệt Ấn Độ tăng 123,5%, Mexico tăng 18 lần.
Mặc dù vậy, sự sụt giảm ghi nhận ở các thị trường như Mỹ (-3,5%), Nhật Bản (-2,5%), Trung Quốc (-19,3%)…
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 39% khối lượng xuất khẩu.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2022 đạt 689.049 tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 25,8% về lượng và tăng 45,4% về trị giá so với năm 2021. Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong khu vực EU gồm Đức (đạt 224.723 tấn, giảm 0,9%); Italy (đạt 139.271 tấn, tăng 8,5%); Bỉ (đạt 121.865 tấn, tăng 101,5%); Tây Ban Nha (đạt 114.024 tấn, tăng 71,7%)...
Nhu cầu của thị trường EU tăng cao là yếu tố quan trọng góp phần đưa ngành cà phê Việt Nam tiến đến kỷ lục xuất khẩu hơn 4 tỷ USD trong năm 2022.
Thời gian qua, lạm phát tăng cao tại khu vực nhưng xuất khẩu cà phê sang EU vẫn tăng trưởng tốt. Trong tháng 12 năm ngoái xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang này đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, với mức tăng 54,6% so với cùng kỳ năm 2021 lên mức 72.081 tấn.
Lạm phát khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và tìm đến các sản phẩm có giá rẻ hơn. Điều này thúc đẩy các nhà rang xay trong khu vực gia tăng nhập khẩu cà phê robusta có giá thấp hơn arabica. Đây được cho là cơ hội đối với ngành cà phê Việt Nam với vai trò là quốc gia sản xuất robusta số một thế giới.
Bên cạnh đó, lợi thế thuế quan từ Hiệp định EVFTA cũng mang lại động lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào thị trường này.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU hiện nay là các yêu cầu về chất lượng, tính bền vững đối với các sản phẩm ngày càng gia tăng. Mới đây nhất, ngày 6/12/2022, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, EU đã đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm được xem là yếu tố chính thúc đẩy phá rừng, trong đó có cà phê.
Cùng với thị trường EU, việc Trung Quốc mở cửa biên giới và dỡ bỏ cách ly sau khi hạ mức độ kiểm soát Covid-19 từ ngày 8/1/2022 cũng là cơ hội cho xuất khẩu cà phê của Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng vào thị trường này trong thời gian tới.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Doanh số xuất khẩu có thể giảm trong năm 2023?
Xuất khẩu đầu niên vụ 2022-2023 vẫn đang khá thuận lợi nhưng một số dự báo cho rằng xuất khẩu cà phê năm 2023 có thể giảm do nguồn cung không dồi dào như năm trước, trong khi giá cà phê có xu hướng giảm do cung – cầu cà phê thế giới chuyển từ thiếu hụt sang dư thừa.
Năm 2022, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 ghi nhận mức cao nhất trong nhiều năm qua với bình quân 2.282 USD/tấn, tăng 16% so với năm 2021.
Trong đó, giá đặc biệt biến động mạnh trong giai đoạn nửa sau của năm khi tăng 12,7% từ 2.299 USD/tấn của tháng 7 lên 2.591 USD/tấn vào tháng 10. Nhưng sau đó giá nhanh chóng giảm 14% xuống chỉ còn 2.234 USD/tấn trong tháng cuối cùng của năm.
Thị trường cà phê trong nước cũng có diễn biến tương tự, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên duy trì quanh mức 40.000 – 44.000 đồng/kg trong 7 tháng đầu năm, sang đến tháng 8 giá tăng vọt lên gần 51.000 đồng/kg, sau đó biến động theo xu hướng giảm trong các tháng tiếp theo.
Tính đến ngày 31/12, giá cà phê nhân xô tại tỉnh Lâm Đồng giá chỉ còn 38.600 đồng/kg; các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai dao động ở mức 39.200 – 39.300 đồng/kg, giảm hơn 22% so với mức đỉnh đạt được vào cuối tháng 8 và giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn cung cà phê được bổ sung từ vụ thu hoạch 2022-2023 và triển vọng kém khả quan của nền kinh tế toàn cầu được cho là những yếu tố chính gây áp lực giảm giá lên thị trường trong thời gian gần đây.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)
Theo báo cáo mới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu dự báo tăng 6,6 triệu bao so với niên vụ trước lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Tiêu thụ cà phê toàn cầu dự báo chỉ tăng hơn 800.000 bao lên 167,9 triệu bao. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 được dự báo giảm 1,5 triệu bao, xuống còn 24,5 triệu bao do nguồn cung thấp hơn.
Cùng chung nhận định, Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Intimex cho rằng lượng cà phê xuất khẩu trong niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm mạnh so với niên vụ trước do hàng tồn kho từ vụ 2021 - 2022 sang ước tính không đánh kể.
Trong khi đó, sản lượng niên vụ cà phê năm nay cũng được dự báo giảm. Theo VICOFA, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.
Mặc dù vậy, ông Nam cho rằng tỷ lệ hàng đạt tiêu chuẩn về tỷ lệ nhiễm thuốc Glyphosate của cà phê Việt Nam được đánh giá ở mức tốt là lợi thế cạnh tranh chính so với robusta Brazil. Hiện Liên Minh Châu Âu đang cảnh báo sẽ tiếp tục siết trong trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, cước tàu đi châu Âu và Mỹ cũng đang giảm mạnh và bình ổn so với năm 2020 - 2021.
Nguồn:Hoàng Hiệp/Doanh nghiệp & Kinh doanh