Giá cao kỷ lục
Giá hợp đồng tương lai nước cam đã trên đà tăng mạnh kể từ cuối năm 2022. Khi đó, bão lớn và một đợt rét đậm đã tàn phá hàng hàng mẫu rừng cam ở Florida, khu vực trồng cam chính ở Mỹ - nhà sản xuất nước cam lớn thứ hai thế giới.
Nhưng giá bật tăng đặc biệt dữ dội trong tháng 5/2024 khi thị trường hoảng loạn về nguy cơ mất mùa ở Brazil. Hợp đồng tương lai nước cam cô đặc, được giao dịch trên sàn Intercontinental Exchange ở New York, vọt lên mức 4,92 USD/pound (tương đương khoảng 10,8 USD/kg) trong phiên 28/5, gần gấp đôi so với một năm trước.
Tình trạng thiếu hụt hiện nay là một cuộc khủng hoảng. Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều gì tương tự, ngay cả trong các đợt rét đậm và bão lớn
Ông Kees Cools, Chủ tịch Hiệp hội Nước ép Rau quả Quốc tế (IFU), bình luận.
Tình trạng thiếu hụt trầm trọng làm dấy lên nguy cơ giá bán tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và làm đảo lộn ngành nước cam toàn cầu, theo IFU.
Thông thường các nhà sản xuất có thể giải quyết sự khác biệt trong hương vị giữa các mùa bằng cách trộn nước cam đông lạnh dự trữ - có thời hạn sử dụng hai năm - từ mùa trước với vụ mùa mới hơn. Song, sự sụt giảm của nguồn cung trong ba năm liên tiếp đã làm cạn kiệt các kho dự trữ, tờ Financial Times cho hay.
Theo ông Cools, giải pháp dài hạn cho sự thiếu hụt cam có thể là làm nước cam từ quýt - loại cây có khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu tốt hơn.
Ông cho biết: “Phương án dài hạn duy nhất mà không động chạm đến tính tự nhiên và hình ảnh của sản phẩm có lẽ là sử dụng các loại trái cây khác”.
Ngành nước cam đã bắt đầu quá trình thử nghiệm. Nhật Bản thường nhập khẩu tới 90% nước cam, chủ yếu từ Brazil. Nguồn cung hạn chế cộng với đồng yen yếu đã khiến chi phí nhập khẩu tăng vọt.
Seven & i Holdings, chủ sở hữu chuỗi siêu thị 7-Eleven, đối phó bằng cách chuyển hướng sang nguồn cung quýt nội địa trong nước, tung ra sản phẩm nước uống trộn lẫn giữa quýt và cam.
Ông Cools cho biết IFU đang cân nhắc phát triển một trình quản lý để cho phép “nước cam” chứa các loại trái cây họ cam quýt khác.
Cung giảm, cầu tăng
Theo ước tính của Fundecitrus, trong năm nay sản lượng cam đã giảm khoảng 25% xuống 232 triệu thùng. Ông Andrés Padilla, nhà phân tích tại Rabobank, cho biết các vườn cam ở Brazil bị tàn phá bởi nhiệt độ cao và lượng mưa dưới mức trung bình. Ông tiết lộ thêm rằng chỉ 1/3 số trang trại được tưới đủ nước và ngay cả những trang trại đó cũng phải “vật lộn để xoay xở”.
Rabobank ước tính gần 40% vườn cam ở vùng trồng chính tại Brazil bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh. Căn bệnh này khiến quả cây có vị đắng trước khi chết hoàn toàn. Nhưng mặt khác, bệnh cũng khiến cam rụng sớm hơn.
Cách duy nhất để trị căn bệnh này là nhổ bỏ cây nhằm ngăn chúng lây lan sang cây khác. Ông Cools của IFU cho biết: “Nông dân không muốn làm vậy vì cây vẫn còn quả”.
Do bệnh vàng lá gân xanh cũng đồng thời khiến cam rụng sớm, lựa chọn của nhiều nông dân là thu hoạch sớm hơn bình thường. Ông Cools chỉ ra: “Nhưng cây sẽ cho năng suất thấp và chất lượng quả kém”.
Các lãnh đạo trong ngành nói rằng rất có thể người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng trong hàng năm trời. Nhiều nhà sản xuất nước cam đã chuyển phần chi phí gia tăng sang khách hàng, bao gồm công ty Purity Soft Drinks có trụ sở ở Anh.
Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng không có vẻ sẽ chững lại. Trước đại dịch COVID-19, một số người Mỹ đã từ bỏ nước cam do hàm lượng đường trong đó. Họ chuyển sang các loại sản phẩm khác để có vitamin C. Tuy nhiên, nhà môi giới Jack Scoville tại Price Futures Group ở Chicago cho biết “trong thời COVID-19, rất nhiều người thích uống nước quả trở lại”.
Nguồn:Giang/Doanh nghiệp & Kinh doanh