menu search
Đóng menu
Đóng

USDA: Sản lượng cà phê toàn cầu tăng 6,6 triệu bao trong niên vụ 2022-2023

07:50 12/01/2023

Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 dự báo tăng 6,6 triệu bao trong khi tiêu thụ chỉ tăng hơn 800.000 bao. Thế giới dự kiến sẽ dư cung khoảng 4,8 triệu bao cà phê trong niên vụ 2022-2023.
Sản lượng tăng 6,6 triệu bao
Báo cáo của USDA cho biết, sản lượng cà phê toàn cầu dự báo tăng 6,6 triệu bao so với niên vụ trước lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Chủ yếu là do cây cà phê arabica của Brazil bước vào năm được mùa theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần.
Trong khi đó, tiêu thụ cà phê toàn cầu dự kiến tăng hơn 800.000 bao lên 167,9 triệu bao, với mức tăng chủ yếu ở Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.
USDA cũng dự báo xuất khẩu cà phê thế giới sẽ giảm 3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, xuống còn 116,1 triệu bao. Sự sụt giảm được ghi nhận tại Brazil, Việt Nam và Ấn Độ nhưng tăng ở Honduras và Colombia. Tồn kho cuối vụ dự kiến tăng hơn 1,5 triệu bao lên 34,1 triệu bao.
Trong bối cảnh nguồn cung cải thiện, giá cà phê toàn cầu được theo dõi bởi Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đã giảm hơn 25% so với thời điểm tháng 2/2022.

Nguồn: USDA
Brazil: USDA dự báo sản lượng cà phê arabica của Brazil sẽ tăng 3,4 triệu bao lên 39,8 triệu bao. Phần lớn các khu vực sản xuất đang trong năm được mùa của chu kỳ sản xuất hai năm một lần, dẫn đến triển vọng năng suất cao hơn cho vụ tới. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh gần 50 triệu bao trong vụ mùa 2020-2021 và 2018-2019.
Cây cà phê arabica tại nhiều vùng sản xuất của Brazil đang phục hồi sau đợt sương giá nghiêm trọng vào tháng 6 và tháng 7/2021 cũng như nhiệt độ cao và lượng mưa dưới mức trung bình cho đến tháng 9/2021.
Vụ thu hoạch cà phê robusta của Brazil cũng được dự báo đạt kỷ lục 22,8 triệu bao trong vụ 2022-2023, tăng hơn 1,1 triệu bao so với niên vụ trước do điều kiện thời tiết thuận lợi và quản lý cây trồng tốt đã hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển trái cà phê ở vùng trồng trọt chính của bang Espirito Santo. Ngoài ra, diện tích thu hoạch tăng nhẹ cũng góp phần vào mức tăng dự kiến của robusta.
Như vậy, tổng sản lượng cà phê arabica và robusta của Brazil sẽ tăng khoảng 4,5 triệu bao so với niên vụ trước lên 62,6 triệu bao trong vụ 2022-2023. Nhưng xuất khẩu dự kiến sẽ giảm khoảng 2,6 triệu bao xuống còn 33 triệu bao do nhiều nước tăng sử dụng hàng tồn kho.
Sản lượng cà phê của Brazil trong niên vụ 2022-2023

Nguồn: USDA
Việt Nam: Sản lượng của Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới được dự báo đạt 30,2 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, giảm 1,4 triệu bao so với vụ thu hoạch kỷ lục trước đó. Diện tích sản xuất của Việt Nam nhìn chung không thay đổi với hơn 95% sản lượng vẫn là cà phê robusta.
Mùa mưa bắt đầu sớm hơn so với các năm trước giúp cây cà phê ra hoa và phát triển tốt. Điều kiện thời tiết ẩm ướt hơn bình thường giúp giảm chi phí tưới tiêu. Tuy nhiên, giá phân bón đã tăng tới 70% trong năm ngoái. Điều này khiến cho người trồng cà phê giảm sử dụng phân bón, dẫn đến năng suất và sản lượng dự kiến sẽ thấp hơn so với niên vụ trước.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 cũng được dự báo sẽ giảm 1,5 triệu bao, xuống còn 24,5 triệu bao do nguồn cung thấp hơn và tồn kho cuối vụ dự kiến giảm 200.000 bao xuống còn 3,1 triệu bao.
Sản lượng cà phê robusta thế giới, bao gồm Việt Nam trong niên vụ 2022-2023

Nguồn: USDA
Colombia: Sản lượng cà phê arabica của Colombia trong niên vụ 2022-2023 được USDA dự báo tăng 800.000 bao lên 12,6 triệu bao nhờ điều kiện sản xuất cải thiện. Niên vụ trước sản xuất cà phê của Colombica đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mưa nhiều và mây che phủ làm gián đoạn quá trình ra hoa.
Xuất khẩu cà phê của Colombica được cho là sẽ tăng 500.000 bao lên 11,5 triệu bao do nguồn cung phục hồi, với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU.
Indonesia: Sản lượng cà phê của Indonesia được dự báo tăng gần 800.000 bao so với niên vụ trước lên 11,4 triệu bao. Riêng sản lượng robusta dự kiến đạt 10 triệu bao nhờ điều kiện sản xuất thuận lợi ở các vùng đất thấp ở phía Nam Sumatra và Java, nơi có khoảng 75% diện tích cà phê được trồng.
Mùa thu hoạch chính ở miền Nam Sumatra bắt đầu vào tháng 3 và kết thúc vào tháng 7/2022. Sản lượng cà phê arabica dự kiến cũng tăng nhẹ lên 1,4 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê của Indonesia được dự báo sẽ tăng 300.000 bao lên 6,6 triệu bao.
Ấn Độ: Sản lượng cà phê robusta của Ấn Độ sẽ tăng 170.000 bao so với niên vụ trước lên mức 4,9 triệu bao trong niên vụ 2022-2023 nhờ năng suất cao hơn. Ấn Độ hiện đã vươn lên trở thành nhà sản xuất robusta lớn thứ năm thế giới sau Việt Nam, Brazil, Indonesia và Uganda. Ngược lại, sản lượng cà phê arabica của Ấn Độ chỉ đạt 1,3 triệu bao, đứng thứ 12 thế giới.
Cà phê nhân xanh chiếm 2/3 lượng cà phê xuất khẩu của Ấn Độ và cà phê hòa tan chiếm 1/3. Gần một nửa khối lượng xuất khẩu được vận chuyển đến Liên minh châu Âu, tiếp theo là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.
Bang Karnataka chiếm hơn 50% diện tích cà phê của Ấn Độ, tiếp theo là Andhra Pradesh và Kerala. Các bang này chiếm khoảng 90% diện tích trồng trọt và 95% sản lượng.
Tổng diện tích cà phê của Ấn Độ đã tăng 13% trong 10 năm qua lên 475.000 ha để đáp ứng nhu cầu ở thị trường nước ngoài. Trong khoảng thời gian này sản lượng cà phê arabica giảm 1/3 do vấn đề sâu bệnh trong khi robusta tăng đều đặn.
Sản xuất cà phê ở Ấn Độ sử dụng nhiều lao động do địa hình đồi núi khiến cho việc sử dụng máy thu hoạch cơ giới bị hạn chế. Ngành này cung cấp việc làm trực tiếp cho hơn 700.000 công nhân đồn điền và 1,3 triệu công nhân tại các nhà máy sản xuất.
Tuy nhiên, cơ hội việc làm phi nông nghiệp ngày càng tăng đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong vụ thu hoạch. Do đó, chi phí lao động leo thang và hiện chiếm hơn 60% tổng chi phí sản xuất. Để đối phó với tình trạng này, những người trồng cà phê tại Ấn Độ đã giảm số lượng lao động cố định và sử dụng lao động thời vụ. Tỷ suất lợi nhuận của người trồng cà phê cũng chịu áp lực do chi phí phân bón, thuốc trừ sâu và nhiên liệu tăng cao.
Nhập khẩu của châu Âu và Mỹ dự báo giảm
Nhập khẩu cà phê của Liên minh châu Âu trong niên vụ 2022-2023 được dự báo giảm 2,1 triệu bao, xuống còn 44,5 triệu bao và chiếm 40% lượng cà phê nhập khẩu toàn cầu. Các nhà cung cấp hàng đầu bao gồm Brazil (40%), Việt Nam (20%), Uganda (8%) và Honduras (7%).
Tồn kho cà phê cuối kỳ của EU dự báo giảm 1 triệu bao xuống còn 13 triệu bao để đáp ứng mức tăng trưởng nhẹ trong tiêu dùng.
Mỹ tiếp tục là nước nhập khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới trong niên vụ 2022-2023 với khối lượng 24,8 triệu bao, giảm 500.000 bao so với niên vụ 2021-2022. Các nhà cung cấp hàng đầu bao gồm Brazil (30%), Colombia (19%), Việt Nam (10%) và Honduras (7%). Tồn kho của Mỹ được dự báo giảm nhẹ xuống 6,1 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.

Nguồn:Hoàng Hiệp/Doanh nghiệp & Kinh doanh

Link gốc