menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu thủy sản: Đã chạm đáy và đang dần phục hồi

10:53 28/07/2023

Mặc dù sản lượng và diện tích thả nuôi thủy sản trong 6 tháng đầu năm vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng xuất khẩu thủy sản lại giảm sâu. 
Trong bối cảnh đó cùng với sự cạnh tranh từ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Ecuado, Ấn Độ,… các doanh nghiệp cần có chiến lược, thực hiện tốt các quy định của thị trường xuất khẩu để giữ vững vị thế, thị phần xuất khẩu.
Sản lượng tiếp tục tăng, xuất khẩu giảm sâu
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm tình hình thời tiết diễn biến tương đối thuận lợi cho nuôi trồng và khai thác thủy sản. Giá xăng dầu ổn định và có xu hướng giảm tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm, chủ động tham gia bám biển ở tất cả các vùng biển để tổ chức khai thác hải sản. Tình hình sản xuất, xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm thủy sản đã phục hồi và phát triển tương đối ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, trong 6 tháng đầu năm ngành thủy sản cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn thách thức do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine vẫn kéo dài, cùng với những hậu quả của đại dịch Covid-19 từ năm trước khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó. Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát cao ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khiến người dân các nước thắt chặt chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh trong đó có sản phẩm thủy sản dẫn đến những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu thủy sản.
Trong nước, giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistic cao cũng gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp; nguồn nhân lực lao động phục vụ trong các nhà máy chế biến bị thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản và người dân tham gia vào chuỗi sản xuất.
Ngoài ra, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản. Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ Vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam…
Báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, tính đến hết tháng 6/2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,27 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022 (4,2 triệu tấn), đạt 47,2% kế hoạch (9,05 triệu tấn), trong đó sản lượng khai thác thủy sản đạt 1,934 triệu tấn, tăng 0,2% (1,93 triệu tấn), sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 2,336 triệu tấn, tăng 3% (2,27 triệu tấn). So với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 47,2% (9,05 triệu tấn); trong đó sản lượng khai thác đạt 52,5% (3,68 triệu tấn), sản lượng nuôi trồng đạt 43,5% (5,37 triệu tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% cùng kỳ năm 2022 (5,25 tỷ USD) và đạt 41,3% kế hoạch (10 tỷ USD).
Đánh giá về những con số trên, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nhấn mạnh, mặc dù sản lượng và diện tích thả nuôi thủy sản trong 6 tháng đầu năm vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng xuất khẩu thủy sản lại giảm sâu, có thể nói là đã chạm đáy và đang dần có dấu hiệu phục hồi. Theo ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù số lượng tàu cá đã giảm tương đối nhưng sản lượng khai thác thủy sản vẫn tăng. Nguyên nhân được cho là trong một thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá dầu tăng cao tàu thuyền nằm bờ dài ngày, đến nay, dịch đã kiểm soát, giá dầu đã giảm cùng với đó thời tiết trong 6 tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho ngư dân khai thác trên biển. Giá cả các mặt hàng sản phẩm hải sản khai thác có xu hướng tăng nhẹ.
Tận dụng cơ hội trong những tháng còn lại
Nhận định về tình hình xuất khẩu thủy sản, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong 6 tháng vừa qua tình hình số đơn hàng xuất khẩu thủy sản bị trả về do vi phạm về an toàn thực phẩm đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong thời gian tới, sẽ có rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra về điều kiện an toàn thực phẩm của các nước sẽ sang Việt Nam tiến hành thanh tra. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng sản xuất, chế biến cần chuẩn bị kỹ lưỡng các hồ sơ và cập nhật các quy định của các thị trường để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh cạnh tranh từ thị trường rất khó khăn, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Ecuado, Ấn Độ,… đã ổn định nguồn cung, cạnh tranh về giá cả, các doanh nghiệp cần có chiến lược, thực hiện tốt các quy định của thị trường xuất khẩu để giữ vững vị thế, thị phần xuất khẩu.
Để đạt mục tiêu năm 2023 đã đề ra của ngành thủy sản, ông Nguyễn Văn Trung cho rằng, trong những tháng cuối năm lĩnh vực nuôi trồng sẽ phải đối mặt rất nhiều áp lực kể cả mục tiêu về sản lượng và xuất khẩu, cụ thể sản lượng phải tăng hơn 6 tháng đầu năm 1 triệu tấn (đạt 3,03 triệu tấn).
“Cùng với những tín hiệu và dự báo thị trường xuất khẩu trong những tháng tới, công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan quản lý và địa phương phải bám sát, nắm bắt tình hình diễn biến giá cả thị trường, dự báo diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ, kịp thời thông tin đến chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nuôi có kế hoạch thả giống và giải pháp phù hợp trong tổ chức sản xuất. Chủ động nguồn nguyên liệu, đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu khi thị trường khởi sắc tránh bị động, thiếu hụt vào cao điểm phục vụ các đơn hàng mùa lễ, Tết cuối năm”, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết thêm.
Bên cạnh đó, ông Luân cũng chỉ ra những khó khăn thách thức mà ngành cần tập trung giải quyết trong 6 tháng cuối năm như: theo sát diễn biến thời tiết, ô nhiễm môi trường, tình hình dịch bệnh có xu hướng gia tăng; vấn đề giao mặt nước trong nuôi biển; điều kiện làm việc trên tàu cá; an toàn thực phẩm tại các cảng cá; các thị trường nhập khẩu liên tục đặt ra những điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm; an sinh động vật; truy xuất nguồn gốc; vấn đề về lao động trong ngành thủy sản. Trong thời gian tới các đoàn thanh tra của các nước nhập khẩu sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở nuôi trồng, sản xuất và chế biến của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, chuẩn bị tiếp Đoàn cơ quan thanh tra An toàn thực phẩm (FSIS) Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sang đánh giá tương đồng về kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam.

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc