Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện đang có chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh kéo dài 4 ngày.
Phía Trung Quốc hẳn đã không thể hài lòng hơn, khi Chính phủ Anh đã dành cho ông Tập Cận Bình sự đón tiếp rất nồng nhiệt và trang trọng. Bản thân ông Tập Cận Bình cũng bày tỏ ấn tượng với sự đón tiếp trọng thị mà Hoàng gia và Chính phủ Anh dành cho ông trong chuyến thăm này.
Hôm 21/10, báo Anh The Independent đưa tin hai nước đã đạt được thỏa thuận xây nhà máy điện hạt nhân mới ở Hinkle Point (Anh) trong đó Trung Quốc có đầu tư một phần. Nhà máy điện hạt nhân được kỳ vọng sẽ cung cấp năng lượng cho khoảng 6 triệu gia đình, và tạo ra khoảng 25 nghìn việc làm cho nước Anh.
Trung Quốc được cho là sẽ sở hữu khoảng 30% cổ phần tại nhà máy điện trên. Năm 2012, các chuyên gia tính toán rằng dự án nhà máy điện sẽ tiêu tốn khoảng 16 tỷ Bảng, nhưng chi phí cuối cùng có thể lên đến 24 tỷ Bảng nếu tính cả lạm phát và việc giá cả vật liệu đội lên qua các năm.
Ngoài ra, cho đến nay, doanh nghiệp Trung Quốc và Anh đã ký kết một loạt các thỏa thuận thương mại trị giá khoảng 30 tỷ Bảng.
Không chỉ có vậy, Anh và Trung Quốc còn ký kết các gói hợp tác trong lĩnh vực công nghệ trị giá 325 triệu Bảng. Đáng kể nhất là thỏa thuận trị giá 50 triệu Bảng giữa công ty ôtô Aston Martin và quỹ China Equity để phát triển dòng ôtô thể thao thân thiện với môi trường.
Các quy định liên quan đến việc cấp visa cho khách Trung Quốc đến Anh cũng đã được nới lỏng, phí xin visa giảm mạnh sau các cuộc bàn thảo cấp cao giữa chính phủ hai nước. Chính phủ Anh muốn thu hút thêm nhiều người giàu Trung Quốc đến Anh.
Tuy nhiên, việc Anh đón tiếp ông Tập Cận Bình với những nghi thức tốt đẹp đã phải hứng chịu một số chỉ trích.
Cũng theo tờ The Independent, ông Steve Hilton, người từng giữ chức cố vấn cấp cao cho Thủ tướng Anh David Cameron phàn nàn rằng ông cảm thấy xấu hổ với cách đón tiếp này, bởi lẽ ra Chính phủ Anh phải thẳng thắn đề cập đến vấn đề nhân quyền và việc ngành thép của Anh đang lao đao bởi nguồn cung thép giá rẻ từ Trung Quốc, hàng nghìn lao động đã mất việc làm.
Ông Hilton đã rời chính trường Anh vào năm 2012 và hiện đảm nhiệm chức vụ giáo sư tại Đại học Standford, California, Mỹ. Phát biểu với báo giới, ông gọi những gì Chính phủ Anh đang làm là một nỗi xấu hổ. Ông cho rằng lẽ ra Chính phủ Anh cần phải áp lệnh trừng phạt với Trung Quốc, chứ không phải chào đón Trung Quốc nồng nhiệt.
Trong khi đó, lãnh đạo Đảng Lao động Anh Jeremy Corbyn cũng đã tận dụng cơ hội là một buổi họp riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh để đề cập đến các vấn đề nhân quyền và cuộc khủng hoảng ngành thép.
Theo Minh Tuấn
VnEconomy
Nguồn:VnEconomy