menu search
Đóng menu
Đóng

TPHCM định lập đặc khu kinh tế, doanh nghiệp bất động sản nào hưởng lợi?

14:47 15/09/2015

Thị trường bất động sản khu Nam thành phố đã bắt đầu “cựa mình”, sau khi UBND Thành phố công bố việc xây dựng Đề cương chi tiết Đề án thành lập Khu kinh tế đặc biệt trên bốn quận huyện là quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ. 
Theo thông tin từ Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), trong tháng 8, lượng giao dịch bất động sản thành công ở cả hai thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ so với tháng 7/2015 (lần lượt là 5% và 6%) nhưng đều đã tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. 

Riêng ở TP.HCM, trong khi nguồn cung và giá bất động sản khu vực phía Đông thành phố đã tăng khá mạnh thì thị trường bất động sản khu Nam đã bắt đầu “cựa mình”, đặc biệt là sau khi UBND Thành phố công bố việc xây dựng Đề cương chi tiết Đề án thành lập Khu kinh tế đặc biệt trên bốn quận huyện là quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải được UBND TPHCM giao cho ký kết Hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông về dự án kết nối đường D3 vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước. 

Mục đích chính của dự án là hoàn thiện mạng lưới giao thông và phát triển Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2 theo quy hoạch, đồng thời phục vụ việc di dời khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. 

Tổng chiều dài toàn tuyến vào khoảng 2.372m, trong đó bao gồm hai cầu (Rạch Rộp II dài khoảng 300m và Mương Lớn II dài khoảng 273m) và phần đường dài khoảng 1.799m với 4 làn xe. Dự án có vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là hơn 293 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong năm 2016.

Được biết, Ngọc Viễn Đông là công ty do Tập đoàn Vingroup góp vốn thành lập và đồng thời cũng là pháp nhân thực hiện dự án chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (47,5ha) thành khu đất phức hợp nhà ở, trung tâm thương mại và dịch vụ… 

Theo thông tin từ UBND thành phố, Vingroup cũng sẽ tham gia làm đối tác chiến lược thực hiện dự án Khu đô thị biển 821ha ở huyện Cần Giờ.

Theo đánh giá của CTCP chứng khoán Rồng Việt, cùng với chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế của Tp.HCM, các dự án đổi đất lấy hạ tầng đang giúp khuấy động thị trường bất động sản khu Nam Sài Gòn sau một thời gian trầm lắng. Trong đó, các chủ đầu tư nhanh nhạy như Vingroup, Đất Xanh (DXG) và Novaland đã đi trước để đón đầu sự tăng tốc về phát triển hạ tầng ở khu Nam. 

Nhìn xa hơn, sau khi việc nạo vét tuyến luồng Soài Rạp hoàn tất, lượng hàng hóa qua cảng Sài Gòn - Hiệp Phước sẽ gia tăng mạnh. Cộng với làn sóng FDI đón đầu TPP và các hiệp định FTA, các khu công nghiệp xung quanh cảng như Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu công nghiệp Long Hậu sẽ có nhiều cơ hội để nâng cao tỷ lệ lấp đầy. 

Bên cạnh đó, dự án tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu Nam Sài Gòn, tạo cơ hội phát triển lớn cho các công ty bất động sản đã có sẵn quỹ đất lớn ở khu vực này như CTCP Long Hậu (LHG), CTCP Đầu Tư & KD Nhà Intresco (ITC), CTCP Vạn Phát Hưng (VPH), CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG)….

Theo Trần Thúy
BizLIVE

Nguồn:BizLIVE