Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, kể từ đầu năm 2023 tới nay, giá các hợp đồng tương lai ngô và đậu tương niêm yết trên Sở Giao dịch Chicago (CBOT) đã bước vào xu hướng giảm, sau khi tăng mạnh trong năm vừa rồi do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine cũng như tình trạng hạn hán tại một số nước sản xuất lớn.
Mỗi năm nước ta vẫn phải nhập khẩu gần 70% nguyên liệu thô để sản xuất TĂCN, chủ yếu là ngô và đậu tương. Trong khi đó, Mỹ vốn là nước xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới, nhưng vẫn chưa phải đối tác cung cấp nguyên liệu TĂCN chủ chốt của Việt Nam.
Đối tác Chiến lược Toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp
Theo sau chuyến thăm của Tổng thống Biden, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng đã có buổi làm việc với Hội đồng Ngũ cốc Mỹ nhằm thúc đẩy mối quan hệ thương mại nông nghiệp giữa hai nước.
Đây sẽ là tiền đề để Việt Nam và Mỹ ký kết các thỏa thuận thương mại song phương trong tương lai, giúp cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu thô từ Mỹ về Việt Nam, cũng như xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Mỹ thuận lợi hơn.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, đánh giá: “Mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam và Mỹ cũng sẽ tiến tới hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là thương mại nông sản. Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất TĂCN ở nước ta được hưởng lợi khi có thể tiếp cận với nguồn cung nguyên liệu thô từ Mỹ, mà cả ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng sẽ củng cố được vị thế tại thị trường tiêu thụ hàng đầu này”.
Nguồn cung nguyên liệu thô tiềm năng cho chuỗi sản xuất TĂCN ở Việt Nam
Dữ liệu chính thức từ Hải quan Việt Nam cho thấy, nước ta nhập khẩu gần 5,6 tỷ USD thức ăn gia súc và nguyên liệu trong năm 2022, tăng 13,6% so với năm 2021. Mỹ tuy là nước xuất khẩu đậu tương lớn thứ 2 sang Việt Nam trong nhiều năm, nhưng lại không nằm trong danh sách các đối tác cung cấp ngô chủ chốt của nước ta.
Với việc Việt Nam vẫn chưa thể tự chủ được nguồn cung nguyên liệu thô để sản xuất TĂCN, câu hỏi được đặt ra là các doanh nghiệp TĂCN sẽ ứng phó như thế nào nếu như vụ mùa tại các nước cung cấp ngô chính của nước ta như Brazil, Argentina và Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi khiến giá nhập khẩu tăng vọt?
Nguồn cung từ Mỹ chính là sự lựa chọn tiềm năng dành cho các doanh nghiệp sản xuất TĂCN. Một khi các thỏa thuận thương mại nông nghiệp giữa Việt Nam và Mỹ được ký kết, các doanh nghiệp TĂCN nước ta nên mở rộng hợp tác với các nhà xuất khẩu Mỹ để có thể tiếp cận với nguồn cung ngô từ nước này. Điều này không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu thô cho ngành TĂCN của Việt Nam, mà còn giải quyết được bài toán chi phí sản xuất nhờ tận dụng lợi thế giá rẻ.
Tăng cường thương mại song phương thông qua xuất khẩu thủy sản
Song song với việc đa dạng hóa được nguồn cung nguyên liệu thô cho chuỗi cung ứng TĂCN, ngành nông nghiệp Việt Nam còn đón nhận nhiều cơ hội xuất khẩu mới tại Mỹ.
Nhiều năm trở lại đây, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh của nước ta, trong đó đặc biệt phải kể đến thủy sản với các mặt hàng chủ lực là tôm, cá tra và cá ngừ. Đối với tôm, trong giai đoạn 2020-2022, Mỹ luôn là thị trường nhập khẩu số 1 của nước ta với kim ngạch nhập khẩu tôm Việt Nam dao động trong khoảng 800 triệu - 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc đưa thủy sản vào thị trường Mỹ trước đây là không hề đơn giản, khi nước này liên tục áp đặt các rào cản, đặc biệt là về thuế quan với thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Đỉnh điểm là dưới thời Tổng thống Donald Trump, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao chưa từng có khiến việc xuất khẩu sang Mỹ gặp nhiều khó khăn.
Dẫu vậy, cũng cần phải lưu ý rằng kể từ khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2013, ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, với tâm điểm là mặt hàng tôm. Nếu như trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt 454 triệu USD, thì con số này luôn đạt trên 600 triệu USD trong giai đoạn 2013-2022, thậm chí có 2 năm đạt trên 1 tỷ USD là 2014 và 2021.
“Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là bước tiến vượt bật về mặt ngoại giao cũng như thương mại và kinh tế giữa hai nước. Tương tự như dấu mốc năm 2013, bước tiến này sẽ đưa ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam bước sang chương mới với những cơ hội tăng trưởng thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Hy vọng rằng các rào cản thương mại sẽ dần được tháo gỡ, giúp thủy sản nước ta giành được ưu thế cạnh tranh với các đối thủ như Ấn Độ và Thái Lan tại thị trường Mỹ”, ông Quang Anh cho biết.
Nguồn:Đức Dương/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)