menu search
Đóng menu
Đóng

Giá đậu tương sẽ giảm về vùng 1405 do kết quả xuất khẩu chậm chạp của Mỹ

16:04 25/07/2023

Mặc dù nhận được sự hỗ trợ tích cực từ đà tăng vọt của giá lúa mì trong phiên hôm qua, tuy nhiên giá đậu tương hợp đồng tháng 11 vẫn chưa thể phá vỡ vùng kháng cự mạnh 1420-1430. Với sự xuất hiện của các báo cáo quan trọng là Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections) và Tiến độ mùa vụ (Crop Progress), thị trường đã dần xác định được xu hướng giá đậu tương trong ngắn hạn. Với các dữ liệu từ hai báo cáo trên, chúng tôi cho rằng giá đậu tương nhiều khả năng sẽ suy yếu trong hôm nay.
 
Dữ liệu từ báo cáo Export Inspections tối qua cho thấy, Mỹ đã giao 283.378 tấn đậu tương trong tuần 14/07-20/07, tăng so với mức 160.305 tấn của một tuần trước đó. Lũy kế giao hàng đậu tương niên vụ 22/23 của Mỹ tới ngày 20/07 đạt 50,177 triệu tấn, vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức 53,887 triệu tấn mà Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nước này sẽ xuất khẩu trong niên vụ hiện tại, trong khi chỉ còn 6 tuần nữa là niên vụ đậu tương 22/23 của Mỹ sẽ kết thúc. Do khối lượng giao hàng phản ánh tốc độ xuất khẩu thực tế, nên khả năng cao nước này sẽ không hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đậu tương trong niên vụ hiện tại, và vấn đề cần quan tâm lúc này sẽ là điều chỉnh của USDA đối với số tồn kho đậu tương Mỹ cuối vụ 22/23 trong báo cáo triển vọng cung cầu tháng 08. Với kết quả xuất khẩu chậm chạp thời gian gần đây của Mỹ, giá đậu tương sẽ chịu áp lực trong thời gian tới.
Tuy nhiên, yếu tố thời tiết vẫn đang ẩn chứa rủi ro với triển vọng vụ đậu tương mới của Mỹ. Trong báo cáo Crop Progress sáng nay, USDA cho biết 54% diện tích đậu tương ở Mỹ đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần 17/07-23/07, so với mức 55% của một tuần trước. Số liệu trên cho thấy mùa vụ tại Mỹ vẫn đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi khô hạn, trong bối cảnh nắng nóng có khả năng quay trở lại Midwest trong tuần này, và đậu tương sắp bước vào giai đoạn phát triển quan trọng trong tháng 08.
Giá đồng có thể tăng nhờ kỳ vọng Trung Quốc tăng cường kích thích kinh tế
Lực mua áp đảo trên thị trường đồng trong phiên sáng, do được hỗ trợ bởi kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ tung ra các biện pháp giúp ổn định nền kinh tế.
Sau cuộc họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì vào thứ Hai, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế trong bối cảnh quá trình phục hồi hậu COVID-19 gặp nhiều khó khăn, đồng thời tập trung vào việc thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Đối với lĩnh vực bất động sản, Bộ Chính trị cho biết cần phải thích ứng với tình hình mới do những thay đổi lớn về cung và cầu thị trường, đồng thời tối ưu hóa các chính sách bất động sản một cách kịp thời.
Thêm vào tâm lý tích cực, Fu Linghui, phát ngôn viên của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), cho biết thị trường bất động sản sẽ ổn định trong tương lai khi nền kinh tế phục hồi và các chính sách thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực bất động sản có hiệu lực.
Do đó, với vai trò là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, lực mua đồng có thể được củng cố nhờ kỳ vọng kinh tế Trung Quốc phục hồi trong thời gian tới, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, trụ cột của nền kinh tế nước này.
Tới phiên tối, giá có thể tiếp tục biến động khi thị trường chứng khoán Mỹ vào phiên, đặc biệt là khi dữ liệu niềm tin tiêu dùng của Conference Board được công bố. Trong bối cảnh lo ngại suy thoái giảm bớt, niềm tin tiêu dùng của người dân Mỹ được dự báo tăng lên mức 111,8 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 01/2022.
Do đó, nếu dữ liệu tăng cao phù hợp với dự báo, niềm tin người tiêu dùng cải thiện có thể làm gia tăng áp lực lạm phát và khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có nhiều không gian và động lực để tăng lãi suất. Đồng USD có thể tiếp tục tăng và gây sức ép tới giá đồng.

Giá dầu WTI có thể giảm điều chỉnh trước khi hướng tới vùng 80 USD
Giá dầu mở cửa với diễn biến tương đối giằng co sau khi lực mua mạnh mẽ trong phiên hôm qua đã đẩy giá vượt 79 USD/thùng. Việc giá tiến sát vùng khá “nhạy cảm” gần mức 80 USD/thùng có thể thúc đẩy các hoạt động chốt lời và giá nhiều khả năng sẽ giảm điều chỉnh chủ yếu do yếu tố kỹ thuật.
Theo Daan Struyven, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu mỏ tại Goldman Sachs cho biết giá dầu dự kiến sẽ tăng lên 86 USD/thùng vào cuối năm, từ mức 80 USD hiện nay, do nhu cầu dầu cao kỷ lục và nguồn cung giảm sẽ dẫn đến thâm hụt thị trường lớn.
Các dấu hiệu nguồn cung thu hẹp cũng đã dần xuất hiện. Xuất khẩu dầu thô của Nga trung bìn 4 tuần có dấu hiệu giảm, phù hợp với bối cảnh Nga đang chuẩn bị cắt giảm xuất khẩu dầu 500.000 thùng mỗi ngày (bpd) trong tháng 8. Kế hoạch vận chuyển cho đến nay cho thấy Nga có thể thực hiện ít nhất một phần cam kết giảm xuất khẩu dầu vào tháng tới.
Xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia cũng bắt đầu giảm xuống dưới 7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 , lần đầu tiên sau nhiều tháng. Báo cáo từ các tổ chức cũng cho thấy Saudi Arabia rất tuân thủ trong kế hoạch cắt giảm sản lượng. Do đó, các tín hiệu nguồn cung thu hẹp, gây ra thâm hụt vẫn sẽ là yếu tố chính thúc đẩy giá dầu.
Trong khi đó, sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng trưởng chậm cũng khiến nguồn hàng cạnh tranh hơn. Chuyên gia từ Goldman Sachs cũng dự đoán tăng trưởng nguồn cung dầu thô của Mỹ sẽ chậm lại đáng kể với tốc độ chỉ khoảng 200 thùng/ngày, góp phần vào mức thâm hụt khá lớn trong nửa cuối năm, với mức thâm hụt gần 2 triệu thùng/ngày trong quý III khi thời điểm tiêu thụ cũng tăng cao.
Rủi ro giá gặp áp lực chủ yếu sẽ liên quan tới các dữ liệu kinh tế có thể kém tích cực hơn so với giai đoạn trước trong bối cảnh chi phí vay tăng cao tại Mỹ và châu Âu, cùng những giọng điệu “diều hâu” từ Fed và ECB. Tuy nhiên, về tổng thể, đà suy yếu nhiều khả năng sẽ không kéo dài khi thị trường vẫn thiên về trạng thái thiếu cung. 

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv
Link gốc