menu search
Đóng menu
Đóng

Giá đậu tương sẽ tiếp tục giảm do tình hình mùa vụ Mỹ tốt hơn dự kiến

16:48 19/09/2023

Với việc tình hình mùa vụ tại Mỹ hiện đang tốt hơn so với dự đoán của thị trường, giá đậu tương hợp đồng tháng 11 có xu hướng nối dài đà giảm từ phiên đầu tuần. Nhiều khả năng giá sẽ tiếp tục suy yếu trong hôm nay, khi hoạt động xuất khẩu của Mỹ cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Brazil.
 
Báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) sáng nay cho biết, hoạt động thu hoạch đậu tương tại Mỹ đã bắt đầu trong tuần vừa rồi và tiến độ đạt 5% kế hoạch tính tới ngày 17/9. Con số trên cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự đoán trung bình của thị trường, đồng thời cũng đạt mức cao nhất của khoảng dự đoán là 2-5%. Đáng chú ý, tỉ lệ đậu tương đạt chất lượng tốt/tuyệt vời của Mỹ trong tuần đánh giá duy trì ở mức 52%, không thay đổi so với một tuần trước đó và chỉ thấp hơn 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Chất lượng đậu tương thực tế tại Mỹ thậm chí còn cao hơn so với mức 51% dự đoán trung bình của giới phân tích. Những dữ liệu trong báo cáo Crop Progress tuần này cho thấy, tình trạng khô hạn tại Vành đai ngô không những không làm giảm chất lượng cây trồng, mà còn đang thúc đẩy quá trình trưởng thành của đậu tương cũng như hoạt động thu hoạch của nông dân. Do đó, tình hình mùa vụ khả quan tại Mỹ dự kiến sẽ duy trì áp lực lớn lên giá đậu tương trong hôm nay.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu đậu tương của Mỹ tiếp tục chịu sự cạnh tranh gay gắt bởi các lô hàng từ Brazil. Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex) cho biết, nước này đã xuất khẩu 3,5 triệu tấn đậu tương trong 3 tuần đầu tháng 09, với khối lượng trung bình mỗi ngày đạt 350.320 tấn. Để so sánh, Secex cho biết rằng khối lượng xuất khẩu đậu tương trung bình mỗi ngày của Brazil trong cả tháng 09/2022 chỉ đạt 190.591 tấn. Với sản lượng đậu tương đạt kỷ lục trong năm 2022, Brazil sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hạt có dầu của mình trong thời gian tới, đồng thời gây sức ép cạnh tranh không nhỏ đối với các lô hàng từ Mỹ.

Giá cà phê có thể giảm khi nguồn cung đang tích cực dần
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/9, giá 2 mặt hàng cà phê vẫn khởi sắc nhưng đà tăng có phần chậm lại do nguồn cung đã có tín hiệu tích cực rõ ràng hơn. Theo báo cáo kết phiên 15/9, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US trong tuần tăng 3.360 bao loại 60kg sau 1 tháng giảm liên tiếp nhờ nguồn cung bổ sung từ Brazil. Cũng chính nguồn cung từ Brazil đã giúp tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU tăng từ mức 35.770 tấn lên 38.730 tấn.
Kết phiên 18/9, tồn kho trên Sở ICE-US tăng thêm 2.200 bao loại 60kg, đáng dấu phiên tăng thứ 2 liên tiếp và đẩy tổng lượng Arabica đang lưu trữ tại đây lên 448.113 bao. Hơn nữa, cũng trong báo cáo kết phiên của ICE, Brazil tiếp tục bổ sung thêm 16.835 bao. Đây sẽ là tín hiệu cho khả năng tồn kho sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và giảm bớt gánh nặng lên nguồn cung Arabica trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, tình trạng đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vẫn được duy trì tại Brazil, kỳ vọng không chỉ giải quyết vấn đề tồn kho ở mức thấp trên Sở ICE mà còn có bổ đảm bảo đủ nguồn cung Arabica trên thị trường.
Theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), tính đến hết ngày 18/9, Brazil đã xuất khẩu 1,16 triệu bao Arabica dạng hạt, cao hơn mức 1,1 triệu bao trong tháng trước. Với tốc độ xuất khẩu hiện tại, lượng cà phê Arabica xuất khẩu trong tháng 9 có thể cùng khoảng với mức cao trong tháng 8 vừa qua và tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Giá kim loại quý có thể giằng co đi ngang trong bối cảnh thiếu vắng chất xúc tác
Thị trường kim loại quý chịu nhiều sức ép trong phiên sáng do đồng USD phục hồi làm tăng chi phí nắm giữ so với các đồng tiền thương mại khác.
Tâm lý thị trường nhìn chung vẫn khá thận trọng khi các nhà đầu tư dồn sự chú ý đến quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Gần như toàn bộ thị trường đều kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất ổn định trong cuộc họp tuần này. Do vậy, nếu Fed ngừng tăng lãi suất, thị trường có thể sẽ không biến động nhiều. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là phát biểu của Chủ tịch Fed, Jerome Powell, và các quan chức trong cuộc họp báo của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), sẽ cung cấp manh mối về kế hoạch tăng lãi suất của Fed trong tương lai.
Vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý tiếp tục được thúc đẩy trong bối cảnh tình hình đình công tại Mỹ ngày càng leo thang. Liên đoàn United Auto Workers (UAW) cho biết sẽ có thêm nhiều nhà máy phải đối mặt với tình trạng đình công nếu như cuộc đàm phán giữa các bên đến ngày 22/9 vẫn không có sự tiến triển nào. Các nhà máy sản xuất xe bán tải có lợi nhuận cao hơn như F-150 của Ford, Chevy Silverado của GM và Ram của Stellantis có thể sẽ là mục tiêu đình công tiếp theo, các nhà phân tích cho biết.
Ngoài ra, việc nhà phát triển bất động sản Sunac của Trung Quốc nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại New York theo chương 15 của Bộ luật Mỹ, đã làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Bên cạnh đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của khu vực đồng euro (Eurozone) công bố vào chiều nay cũng có thể gián tiếp ảnh hưởng đến xu hướng biến động của giá kim loại quý. Nếu CPI cao hơn so với dự báo, cho thấy áp lực lạm phát tại Eurozone vẫn đang duy trì ở mức cao, điều này sẽ tạo thêm không gian để Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tăng lãi suất lần thứ 11 trong kỳ họp tới. Đồng euro sẽ được hưởng lợi, gây áp lực lên đồng USD, từ đó hỗ trợ giá kim loại quý.

Giá dầu vẫn còn động lực tăng trước cuộc họp của Fed
Giá dầu liên tục tăng vượt qua các mức kháng cự quan trọng của năm, đây là những mốc cao nhất trong gần một năm qua do đó khi đã phá vỡ sẽ khó có thể xác định được đỉnh tạm thời của nhịp điều chỉnh giảm.
Tâm lý thị trường hiện tại vẫn đang dành sự quan tâm cho vấn đề cắt giảm sản lượng trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt nguồn cung vào giai đoạn cuối năm 2023.
Về quan điểm vĩ mô, giá dầu tăng cao đang tác động trực tiếp đến lạm phát hiện tại của nền kinh tế, số liệu lạm phát toàn phần tăng cao nhất hàng tháng trong báo cáo tuần vừa rồi đã phản ảnh rõ được những tác động của giá dầu tăng cao. Điều này rất có thể sẽ là tín hiệu cho thấy Fed chưa thể dừng quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ hiện tại được.
Nếu Fed vẫn phát đi quan điểm cứng rắn hơn và để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay thì rất có thể thị trường sẽ cho rằng tác nhân gây ra lạm phát hiện tại đến từ chi phí năng lượng tăng lên, do đó thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ đồng USD tăng lên cũng có thể kìm hãm đà tăng của giá dầu.
Tuy nhiên, những kỳ vọng này có thể sẽ không phải là dài hạn bởi yếu tố chính có thể khiến giá dầu giảm sẽ nằm ở việc bổ sung nguồn cung trong giai đoạn cuối năm. Cho đến hiện tại, chưa có thông tin cho thấy nguồn cung sẽ được bổ sung thêm trong giai đoạn này đo dó việc kỳ vọng giá dầu giảm ở phiên hiện tại sẽ còn quá sớm.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Tags: Tin mxv